Hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ khả năng sáng tạo, chất lượng hoạt động…, góp phần vào việc phát triển các hoạt động của văn học nghệ thuật thành phố.
TTXVN - Ngày 5/12, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - 60 năm xây dựng và phát triển”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi, thảo luận nhằm giữ gìn, phát huy những di sản tinh thần cho thế hệ sau.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của Hội trong 60 năm qua đã thể hiện rõ khả năng sáng tạo, chất lượng hoạt động…, thể hiện tốt vai trò của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, góp phần vào việc phát triển các hoạt động của văn học nghệ thuật thành phố. Trong đó, mỹ thuật ngoài trời là một thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa công cộng, là điểm nhấn quan trọng trong tổng thể chung của việc “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.
Để phát triển mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý; hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng; xây dựng chính sách pháp lý để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa mỹ thuật - kiến trúc - quy hoạch và các ngành có liên quan.
Về thực trạng hoạt động nghệ thuật múa dân gian, dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù thành phố có nhiều chương trình nghệ thuật nhưng các liên hoan múa dân gian, dân tộc không còn thấy tổ chức. Tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, các lớp học về loại hình này cũng không còn phổ biến. Để duy trì hoạt động, bảo tồn, phát triển các giá trị của nghệ thuật múa dân gian, dân tộc, thành phố cần quan tâm hơn về công tác đào tạo nguồn nhân lực múa dân gian, dân tộc; tăng cường các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, các buổi tập huấn về nghệ thuật múa dân gian, dân tộc, tạo ra sân chơi cho các nghệ sỹ trẻ có thêm cơ hội học hỏi, lĩnh hội những kiến thức bổ ích, tiếp tục đóng góp cho nghề và trao truyền cho các thế hệ tiếp theo…
Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng đưa nghệ thuật múa dân gian, dân tộc vào học đường vì đây là cách đưa múa dân gian vào trong tiềm thức của khán giả, con người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; cần lấy “chất liệu” từ các thể loại dân vũ của đồng bào các dân tộc để dàn dựng mới những tiết mục, vở diễn có chất lượng cao nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phục vụ các khu - điểm du lịch để thu hút du khách cùng các chương trình giao lưu văn hóa đối ngoại - Tiến sỹ Lê Nguyên Hiều đề xuất.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các Hội Văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng văn học nghệ thuật, tích cực chống các quan điểm tiêu cực, lệch lạc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Liên hiệp đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác, nhiều cuộc triển lãm có chất lượng, triển khai các cuộc về nguồn, đi thực tế, giúp hội viên có cơ hội giao lưu, trao đổi, phục vụ sáng tác. Các chương trình tập huấn đã giúp các văn, nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng kiến thức, nhận thức, cùng tình cảm yêu nghề. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề đã tạo điều kiện để các văn, nghệ sỹ thảo luận, phân tích sâu những vấn đề quan tâm, đi tới thống nhất ý chí.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Luân Kim, mỗi văn, nghệ sỹ cần nỗ lực phấn đấu nhằm tạo nhiều thành tựu trong sáng tác, lý luận phê bình, quản lý văn học nghệ thuật, quảng bá tác phẩm trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; đồng thời cần tiếp tục phát huy việc liên kết, giao lưu với văn nghệ sỹ các tỉnh, thành phố, cũng như các nước khác trên thế giới.
Dịp này, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh-60 năm xây dựng và phát triển”. Triển lãm gồm 500 ảnh với 4 nội dung chính như: Giới thiệu hình ảnh các thế hệ lãnh đạo Liên hiệp và lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật các thời kỳ; hình ảnh các văn, nghệ sỹ của Thành phố Hồ Chí Minh đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; hình ảnh hoạt động của Liên hiệp và các Hội Văn học nghệ thuật trong 60 năm qua và những tác phẩm, công trình nghệ thuật tiêu biểu của văn, nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh./.