Các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa đề án phát triển nguồn nhân lực đối với từng lĩnh vực và dự án phát triển; xác định nhu cầu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực gắn với những cụm ngành nổi bật và lợi thế của địa phương.
Để phát triển vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần của Nghị quyết 24 -NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cần được quy hoạch và có chiến lược phát triển thường xuyên, lâu dài hơn. Do đó, các địa phương trong khu vực cần có chiến lược đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch... hiện nay.
* Ưu tiên chất lượng nguồn nhân lực
Tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục vào Đào tạo tổ chức tại Bình Dương mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các địa phương trong vùng tiếp tục đầu tư nguồn lực, khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Thực tế trên thế giới cho thấy, các nước đang thay đổi tư duy, phương thức phát triển từ phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên sang đầu tư cho tài nguyên tri thức. Con người là nguồn vốn cơ bản, chỉ có đầu tư vào giáo dục - đào tạo mới tạo ra nguồn động lực mới để phát triển đất nước.
Trong 10 năm (2012 - 2022), quy mô, mạng lưới các cấp học tại Đông Nam Bộ được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành phố trong vùng và đất nước. Giáo dục Đại học của vùng ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Toàn vùng có gần 60 trường Đại học, hơn 300 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, trên 70.000 sinh viên và 6.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt gần 87%. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng đạt gần 30% (đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ sau Đồng bằng sông Hồng). Tỷ lệ dân số có trình độ Đại học trở lên của cả vùng khoảng 7%.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước và Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc; đến năm 2030 đạt 89%. Năm 2025, tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo theo các chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cho ít nhất 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ít nhất 30% vào năm 2030.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, để đạt được điều này, Thành phố đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc đào tạo được gắn kết chặt chẽ với đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với các ngành trọng yếu như: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị và mô hình Đại học chia sẻ.
Thành phố tạo sự kết nối giữa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ Đại học và giáo dục nghề nghiệp; lựa chọn, đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo định hướng trường chất lượng cao; xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn làm cơ sở để tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích, ưu đãi trong thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
* Liên kết đào tạo
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị, các trường Đại học, khối Giáo dục nghề nghiệp phải phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường) để cung - cầu gặp nhau. Khi đó, nguồn nhân lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả hơn, nhất là phát triển kinh tế số hiện nay. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh cần từng bước chuyển từ lợi thế nhân công sang lợi thế nhân lực trình độ cao; ưu tiên thu hút nguồn vốn con người; chuyển từ nền kinh tế dựa vào đầu tư sang nền kinh tế dựa vào nhân tài, nguồn lao động chất lượng cao.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Chu Du (Đại học Công Đoàn) cho rằng, Đông Nam Bộ cần tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chiến lược phải xác định rõ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị nhằm giải quyết những thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và sự bất hợp lý trong cơ cấu nguồn nhân lực; cần gắn kết chặt chẽ giữa quá trình đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đặt ra yêu cầu cần sự kết hợp ba nhà (nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) thông qua các trung tâm đổi mới sáng tạo trong đào tạo nhân lực.
Cùng với đó, Đông Nam Bộ cần rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học, Giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đinh Công Khải (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, các địa phương trong vùng phải cụ thể hóa đề án phát triển nguồn nhân lực đối với từng lĩnh vực và dự án phát triển. Các địa phương cần xác định nhu cầu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực gắn với những cụm ngành nổi bật và lợi thế của địa phương thông qua điều tra nhu cầu thị trường, tổ chức các hội thảo, tọa đàm với các bên liên quan gồm: doanh nghiệp - địa phương - cơ sở đào tạo.
Doanh nghiệp chính là đối tượng hiểu rõ nhu cầu về nguồn nhân lực; vì vậy, có thể đưa ra những yêu cầu đào tạo bổ sung, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động một cách chính xác, hiệu quả nhất. Việc phát triển nguồn nhân lực phải gắn liền với việc khai thác, sử dụng nguồn lực tối ưu để thu hút và giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tùy vào đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao được cập nhật và điều chỉnh phù hợp cả về nhu cầu lẫn chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực.
Trên cơ sở nguồn lực hiện, các địa phương ưu tiên việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực theo hai hình thức đào tạo gồm: Phát triển đào tạo theo bằng cấp về các ngành, nghề theo Đề án nguồn nhân lực dưới sự tài trợ của Nhà nước; phát triển đào tạo nghề nghiệp chuyên môn theo Đề án nguồn nhân lực thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương, viện nghiên cứu, trường Đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.
Theo nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đinh Công Khải, để các doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, Nhà nước và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các cơ sở đào tạo. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò trung gian, gắn kết doanh nghiệp và nhà trường thông qua công tác dự báo nhu cầu nhân lực, cung cấp thông tin cho cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở đào tạo gặp gỡ, trao đổi sâu về từng ngành nghề. Những yêu cầu từ doanh nghiệp được các cơ sở đào tạo cụ thể thành các mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, cập nhật chương trình đào tạo. Việc liên kết này giúp cho người học có thêm kỹ năng làm việc.
Đối với phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Thành phố cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; trong đó có một chương trình tái cấu trúc lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do địa phương quản lý. Việc quy hoạch và định vị các trường, cơ sở đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo cần được trao quyền tự chủ để nâng cao chất lượng và năng lực nhằm cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Cùng với đó, Thành phố cần đầu tư cho các trường do địa phương quản lý từ trình độ Sơ cấp, Trung cấp đến Đại học đạt trình độ quốc tế; trong đó, chọn các cơ sở đào tạo đủ năng lực cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đồng thời, địa phương có chính sách phân luồng học sinh hệ phổ thông vào kênh đào tạo các cấp bậc nghề nghiệp nhằm giải quyết mâu thuẫn mất cân đối đào tạo theo cấp bậc, ngành nghề mà doanh nghiệp cần.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, vùng Đông Nam Bộ cần quy hoạch và “hợp lý hóa” trong sắp xếp, cơ cấu hệ thống giáo dục các bậc học, đặc biệt là bậc Đại học. Bởi vì hiện nay, sự phân bổ các trường Đại học trong vùng không đồng đều. Cụ thể như: Thành phố Hồ Chí Minh tập trung quá nhiều; trong khi đó Tây Ninh và Bình Phước lại không có trường Đại học. Bên cạnh đó, vùng cần phát huy xã hội hóa, quốc tế hóa, hiện đại hóa, số hóa, phổ cập hóa. Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý; đồng thời, mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong thế giới kết nối, chia sẻ, ngành Giáo dục phải phát huy nội lực, chú trọng thu hút các nhà khoa học, nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài; đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy ngoại ngữ - đây là “giấy thông hành”, “hành trang” để lao động Việt Nam hội nhập thế giới./.