Chuyện quản lý: Gần 7 năm, khu tái định cư chưa được cấp điện, nước và quyền sử dụng đất
7 năm sau khi đến khu tái định cư, các hộ dân phải tự đào giếng lấy nước, không được cấp điện và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
TTXVN - Các hộ dân xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị thu hồi đất và di dời khi thực hiện Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan bức xúc vì phải dùng nước giếng sinh hoạt, không được cấp điện và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong gần 7 năm qua tại khu tái định cư mới.
* Điều kiện sống ở khu tái định cư chưa bảo đảm
Năm 2015, tám hộ dân thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc “nhường” đất cho Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan để chuyển về khu tái định cư thôn 1, xã Xuân Lộc (nay là thôn Hưng An). Sau đó, có thêm 4 hộ dân được bổ sung vào ở tại tái định cư này. Tuy nhiên, đến nay, điều kiện sinh hoạt của 5 hộ dân đã xây nhà, sinh sống trên khu tái định cư này chưa được bảo đảm.
Ông Lê Hữu Cường (ở khu tái định cư) cho hay, bà con tình nguyện tháo dỡ nhà cửa, nhường đất để dự án triển khai đúng tiến độ nhưng chính quyền lại không bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân khi đến nơi ở mới. Để có điện sinh hoạt, các gia đình phải kéo đường dây từ nơi khác về sử dụng. Ngoài ra, các hộ dân còn góp tiền khoan giếng bơm nước sử dụng chung.
Dù đã xây nhà định cư nhiều năm, đến nay, chưa có hộ dân nào ở khu tái định cư thôn Hưng An được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì còn nhiều vướng mắc trong quá trình bố trí tái định cư. Người dân đã kiến nghị, làm việc cùng lãnh đạo UBND huyện và xã nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Bùi Chính (ở khu tái định cư) cho biết, năm 2016, khi ông Đỗ Văn Mạnh (nguyên chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc) - cán bộ phụ trách dự án lúc đó về địa bàn làm thủ tục cho bà con, có trao đổi nhiều vấn đề. Cụ thể, nếu người dân không nhận đất tái định cư sẽ được nhận 45 triệu đồng. Nếu bà con nhận đất số tiền đó sẽ được giải quyết làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, trong 5 năm, bà con được phép nợ tiền sử dụng đất tái định cư; hết thời hạn, người dân đến nộp tiền vẫn nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2016, ông Chính nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời điểm đó, vì đang xây nhà, điều kiện kinh tế khó khăn, lại được hứa hẹn cho nộp chậm trong 5 năm nên gia đình ông không đến nộp tiền sử dụng đất. Sau 5 năm, ông đến cơ quan thuế thực hiện nghĩa vụ thì được thông báo hồ sơ đã quá hạn. Tiền lãi nộp chậm lên đến 27 triệu đồng, trong khi tiền sử dụng đất là 43 triệu đồng.
Nằm trong số các hộ dân được bố trí đất ở khu tái định cư, anh Phạm Tấn Quang được ông Đỗ Văn Mạnh hướng dẫn làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng và cho ghi nợ tiền sử dụng đất trong 5 năm. Tuy nhiên, gần đây, khi về cơ quan thuế nộp hồ sơ anh gặp phải trường hợp tương tự; số tiền lãi nộp chậm tiền sử dụng đất là gần 30 triệu đồng. Bức xúc vì vấn đề này, anh đã làm đơn gửi về UBND huyện Phú Lộc.
Lần lượt làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ dân ở khu tái định cư thôn Hưng An đều bất ngờ khi được cơ quan thuế thông báo phải nộp tiền lãi nộp chậm, số tiền phạt lên đến hàng chục triệu đồng. Các hộ dân rất bất bình vì đây là số tiền rất lớn đối với họ; đồng thời mong muốn chính quyền sớm giải quyết sự bất nhất trong quá trình cán bộ làm việc với người dân về vấn đề này...
* Tìm cách tháo gỡ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Hoàng Văn Đề, thời gian qua, đơn vị đã họp, trực tiếp trao đổi nhiều lần với lãnh đạo xã Xuân Lộc về vấn đề này. Để giải quyết vấn đề điện, nước ở khu tái định cư, chính quyền xã phải đăng ký kế hoạch trung hạn, hằng năm, sau đó huyện sẽ xem xét, thông qua và bố trí vốn xử lý cho bà con. “Vì một vài hộ nên dẫn đến mức độ đầu tư hạ tầng nhỏ lẻ quá và nguồn lực địa phương phải tự xử lý. Nếu quy mô vài chục hộ, vài trăm hộ thì vấn đề sẽ khác và hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ hơn”, ông Hoàng Văn Đề cho hay.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc Trần Viết Tú giải thích, khu tái định cư có quy hoạch tổng thể 5 ha, được đầu tư cơ sở hạ tầng, hạng mục thiết yếu như đường bê tông, trạm biến áp điện, hệ thống thoát cấp nước, thoát nước. Ban quản lý dự án công trình đã có biên bản bàn giao điện, nước cho Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh. Trong đó, đơn vị điện lực cho biết, việc cấp điện trạm biến áp 110kV phục vụ nhu cầu của ít hộ dân ở khu tái định cư sẽ khiến hao phí điện năng tương đối lớn. Do đó, trạm biến áp không được cấp điện và người dân nhiều năm qua phải kéo đường dây điện từ nơi khác về sử dụng.
Về những bức xúc liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Trần Viết Tú chia sẻ, trước đây, vẫn có quy định riêng cho nợ tiền sử dụng đất trong vòng 5 năm đối với trường hợp tái định cư ở vùng đặc biệt khó khăn khi người dân làm đơn yêu cầu và được Ủy ban nhân dân huyện xác nhận. Tuy nhiên, các hộ dân không làm đơn và đến nay, họ không đủ điều kiện được xét duyệt nợ tiền sử dụng đất. Do đó, để tránh tiếp tục phát sinh tiền lãi chậm nộp, vừa qua, huyện chủ trì họp tìm cách tháo gỡ vấn đề này và hướng dẫn người dân nộp tiền sử dụng đất.
Hiện nay, huyện Phú Lộc đang rà soát các hộ dân đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ này vẫn được đảm bảo thu tiền sử dụng đất tại thời điểm phê duyệt giá trị bồi thường. Hai trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã xây nhà, huyện không thu hồi đất và hướng dẫn họ làm thủ tục được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong tháng 5/2023, các cơ quan sẽ có giải trình, báo cáo và trả lời cho người dân về nội dung trên.
Được biết, các nội dung ông Đỗ Văn Mạnh trao đổi với người dân không được lập biên bản làm việc. Năm 2021, ông Mạnh bị bắt và khởi tố về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 230, Bộ luật Hình sự năm 2015./.
- Từ khóa:
- Tái định cư
- sổ đỏ
- bất cập
- thu hồi đất