Thực thi chính sách

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Gắn công tác thi đua khen thưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Bắc Giang

Địa phương tiếp tục đổi mới, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khen đúng người, đúng việc, kịp thời và tạo tính lan tỏa cao; kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả...

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

TTXVN - Ngày 15/11, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã kiểm tra, giám sát công tác này tại tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bắc Giang đã phát động các phong trào thi đua sâu rộng; triển khai nhiều nội dung, chương trình thi đua nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng theo tinh thần đổi mới. Tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động như: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19; vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau... Địa phương tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với những nội dung, chủ đề cụ thể, thiết thực.

Trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng năm 2023, tỉnh đã đề xuất Trung ương khen thưởng cấp Nhà nước đối với 661 tập thể, cá nhân; khen thưởng cấp tỉnh cho 16.149 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất, phòng chống COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại trên địa bàn. Bắc Giang đã dành gần 30 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tặng thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... Công tác thi đua khen thưởng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phong trào thi đua, khen thưởng ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; khen thưởng thành tích đột xuất chưa nhiều. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng mỏng, thiếu ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trên các lĩnh vực theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025); vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh trong việc tổ chức các cụm, khối thi đua; triển khai Luật Thi đua Khen thưởng năm 2022; giải pháp khen thưởng trực tiếp cho người lao động.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương những thành tích Bắc Giang đã đạt được; đồng thời, chia sẻ với những tồn tại, khó khăn của tỉnh trong công tác thi đua khen thưởng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, Bắc Giang cần phát huy những thành tích đã đạt được; có kế hoạch và phương án cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; gắn công tác thi đua khen thưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương; trong đó, tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh.

Đối với Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024), Bắc Giang cần tổ chức quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Tỉnh tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả; tránh phô trương, hình thức, tiêu cực. Đối với các phong trào thi đua của Trung ương, tỉnh nên chọn các phong trào phù hợp với địa phương, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đối với phong trào thi đua ở địa phương mỗi thời điểm cần chọn một hay hai phong trào để đẩy mạnh, tránh sự dàn trải.

Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi đua-khen thưởng tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Địa phương tiếp tục đổi mới, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khen đúng người, đúng việc, kịp thời và tạo tính lan tỏa cao. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Về những đề nghị của Bắc Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tiếp tục tham mưu cho Bộ Nội vụ rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong các lĩnh vực chuyên ngành; triển khai quán triệt, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tiếp thu những chỉ đạo, gợi mở góp ý của Đoàn công tác. Tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về công tác thi đua khen thưởng; mong muốn trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ nhận được nhiều sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về công tác này. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng./.

Đồng Thúy

Xem thêm