Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri Hậu Giang
Cử tri đã kiến nghị về nâng mức hỗ trợ gia đình chính sách, người có công; về việc đổi mới, thay sách giáo khoa; việc khai thác tiềm năng du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh cần được đầu tư, quan tâm nhiều hơn; đảm bảo sản xuất lúa bền vững...
TTXVN - Chiều 26/6, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc cử tri huyện Vị Thủy sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hậu Giang thông tin đến cử tri, báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 5.
Bà Lê Thị Thanh Lam thông tin với cử tri, sau 23 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đối với kiến nghị của cử tri huyện Vị Thủy trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, về việc thành lập các tổ hợp tác xã nông nghiệp để nông dân có điều kiện tiếp cận, nhằm được bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, không bị "cò", thương lái ép giá, để người dân sản xuất có lợi nhuận, bà Lê Thị Thanh Lam cho biết, ý kiến cử tri kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm và trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã. Bà con nông dân nên tập hợp lại để tham gia hợp tác xã có quy mô diện tích, sản xuất theo quy trình nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng để liên kết hợp đồng bao tiêu với công ty, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, cử tri đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội về nâng mức hỗ trợ đối với các gia đình chính sách, người có công, người thừa kế; việc đổi mới, thay sách giáo khoa cần xem xét thời gian thay đổi dài hơn; việc khai thác tiềm năng du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh cần được đầu tư, quan tâm nhiều hơn; đảm bảo sản xuất lúa bền vững...
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu của Hậu Giang. Kết thúc Quý I/2023, Hậu Giang lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) dẫn đầu cả nước, đạt 12,6%, trong khi chỉ vài năm trước đây tỉnh còn là một trong những địa phương thuộc top dưới ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh quan tâm, chăm lo hộ nghèo, gia đình chính sách. Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 9.736 hộ nghèo, chiếm 4,84% và 7.426 hộ cận nghèo, chiếm 3,69%. Tỉnh đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo như chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi; chính sách về y tế; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ quà Tết cho hộ nghèo; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang nói chung, huyện Vị Thủy nói riêng tiếp tục xây dựng nông thôn khang trang, sạch đẹp, nâng cao đời sống người dân. Tỉnh quan tâm phát triển kinh tế đưa cuộc sống người dân ngày một giàu mạnh. Đặc biệt, hệ thống y tế của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một nâng cao.
Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng, người dân áp dụng số hóa trong sản xuất cũng như thủ tục hành chính ngày một hiệu quả; quan tâm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đồng bộ giữa cầu, đường, giao thông thủy. Tỉnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ vượt trội trong thời gian tới, với tầm quy mô khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia 30 lượt ý kiến đóng góp, phát biểu (trong đó có 8 lượt ý kiến thảo luận tại Đoàn; 15 lượt ý kiến thảo luận Tổ; 6 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường; 1 lượt ý kiến tranh luận); đồng thời gửi phiếu chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhìn chung, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang luôn thể hiện tinh thần dân chủ, khách quan trong việc thảo luận và quyết định vấn đề nhân sự theo thẩm quyền của Quốc hội./.
- Từ khóa:
- Hậu Giang
- ông Trần Thanh Mẫn
- cử tri