Bảo tồn, phát triển làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đang được tỉnh Phú Thọ nỗ lực triển khai.
TTXVN - Thị trường tiêu thụ thu hẹp, thiếu nhân lực, sản xuất manh mún đang khiến cho nhiều nghề, làng nghề ở tỉnh Phú Thọ có nguy cơ mai một, biến mất. Bảo tồn, phát triển làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đang được tỉnh Phú Thọ nỗ lực triển khai.
*Tìm hướng đi mới cho làng nghề
Làng nghề làm nón lá ở Phú Thọ đã có thời gian đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do thị trường bị thu hẹp, đầu ra không ổn định, nhưng nhờ có hướng đi mới, đến nay các làng nghề này vẫn bảo tồn và phát triển tốt. Sản phẩm nón lá hàng ngày được các thế hệ của làng làm ra và theo du khách xuất ngoại, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Lãnh đạo thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê cho biết, những năm gần đây, thực hiện xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, người dân làng nghề nón lá Sai Nga của thị trấn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cho sản phẩm hàng hóa và phục vụ du khách. Hiện làng nghề nón lá Sai Nga đã trở thành một điểm đến yêu thích của du khách, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Chiếc nón từ làng đã đi khắp mọi miền đất nước theo các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh và được du khách chọn mua về làm quà tặng.
Nhờ tự tìm hướng đi mới, hiện làng nghề nón lá Sai Nga duy trì và phát triển trên 500 hộ làm nghề và sản phẩm nón là đã trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách bốn phương. Với nỗ lực trong việc bảo tồn và phát triển, nghề làm nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là nền tảng để làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng về du lịch.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết, thời gian qua trung tâm đã phối hợp với nhiều địa phương triển khai nhiều trương trình xúc tiến du lịch và đưa các tuor du lịch về các làng nghề để khai thác các lợi thế của làng nghề truyền thống. Hiện tại có trên 10 làng nghề trên địa bàn tỉnh kết nối với tour du lịch Đền Hùng để cho khách tham quan, trải nghiệm như Làng nghề nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê; làng nón lá Gia Thanh, huyện Phú Ninh; làng rau an toàn Tân Đức, thành phố Việt Trì; tương làng Bợ, huyện Thanh Thủy; tương Dục Mỹ xã Cao Xá, huyện Lâm Thao… Một số sản phẩm làng nghề và đặc sản của các địa phương được khai thác phục vụ khách du lịch trải nghiệm và mua sắm như: Bánh chưng Cẩm Khê, bánh chưng Hùng Lô, nón lá Sai Nga, chè Long Cốc, tương Bợ, thịt chua Thanh Sơn...
Hiện nay, trung tâm đang đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu cho du khách biết thêm nhiều về các điểm du lịch làng nghề khác, như khi đến địa bàn thành phố Việt Trì, sau khi thăm Đền Hùng du khách có thể ghé thăm để tìm hiểu về làng cổ, về những phong tục tập quán của người dân bản địa, đồng thời trải nghiệm, tham quan làng nghề trồng rau, trồng hoa, làng nghề chế biến mỳ gạo, làm bánh chưng, bánh giầy và thưởng thức những đặc sản làng quê.
Hay khi đến với huyện Thanh Thủy ngoài được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể đền Lăng Sương, đình Đào Xá, du khách còn được thăm làng nghề đan lát Ba Đông, tương làng Bợ... Đặc biệt, khi đến với huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, du khách được tham quan nhiều đồi chè và thưởng thức hương vị riêng có của chè Phú Thọ.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ, việc gắn phát triển làng nghề với du lịch về nguồn đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả tốt, thu thút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia, qua đó cũng giúp du khách hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của làng nghề, quảng bá về du lịch Phú Thọ
*Xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển lâu dài
Theo Sở Công Thương Phú Thọ, 10 năm trở lại đây, số làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Nhiều làng nghề đã có có cách làm mới, phù hợp với tình hình hình thực tế đem hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động nông thôn; đồng thời cũng khai thác một cách có hiệu quả các nguồn nguyên liệu sẵn có, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Hiện tỉnh có 75 làng nghề đã được công nhận, với tổng doanh thu hàng năm ước đạt trên 1.420 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 16.700 người lao động; trong đó, có trên 11.700 lao động thường xuyên với hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là quy mô gia đình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hoạt động bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như thiếu nguồn nhân lực, thiếu thị trường tiêu thụ, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất các làng nghề nhỏ, manh mún, không ổn định, được làm theo phương thức thủ công, truyền thống, chủ yếu quy mô hộ gia đình; sản phẩm của các làng nghề chưa phong phú, chất lượng chưa đồng đều, giá trị sản phẩm chưa cao.
Hiện nay tỉnh đã có 4 làng nghề có nguy cơ mai một, ngừng hoạt động do không còn đạt các tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định. Bên cạnh đó, số lượng thợ có tay nghề cao, tay nghề tinh xảo tại nhiều làng nghề chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1,5-2% trong tổng số lao động làng nghề. Lực lượng lao động này đa số là lớp người trung niên hoặc cao tuổi, sức lao động kém hơn, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học vào sản xuất hạn chế.
Trong khi đó, lớp lao động trẻ lại không mặn mà, quay lưng lại với làng nghề, tìm nghề mới có thu nhập hấp dẫn hơn để cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, trước những tồn tại, khó khăn trên, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh giai đoạn 2021-2030. Theo kế hoạch đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân lao động của các làng nghề tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2021.
Đến năm 2030, có trên 80% làng nghề hoạt động có hiệu quả; ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Bình quân mỗi năm sẽ tổ chức hai lớp đào tạo nghề cho lao động các làng nghề.
Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển các làng có nghề, có khả năng truyền nghề, phát triển nghề, nhằm khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, tập trung vốn, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường, nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần tăng quy mô cơ sở sản xuất để đủ điều kiện công nhận làng nghề như nghề gói bánh chưng xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê; nghề làm bánh trung thu, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ; nghề chế biến kén tằm tơ ở các xã ven Sông Hồng...; tăng cường mở các tour, tuyến du lịch làng nghề, vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề để các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước; Gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch.
Đồng thời, tỉnh sẽ khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuộc làng nghề phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa phát huy thế mạnh của mỗi làng nghề; hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chú trọng hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề theo hướng đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề, gắn với phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm của làng nghề.
Cùng đó, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị để quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề; quan tâm tổ chức các hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh; phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh tôn vinh nghệ nhân và có cơ chế chính sách hỗ trợ để duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân, khích lệ động viên các nghệ nhân tham gia thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề; tổ chức các hội chợ làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... để tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi nhằm duy trì, bảo tồn phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.
Tỉnh tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Đồng thời, rà soát, ban hành chính sách, quy trình để phong tặng danh hiệu nghệ nhân, làm cơ sở để đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân…/.
- Từ khóa:
- Phú Thọ
- bảo tồn
- phát triển
- làng nghề