Tỉnh An Giang bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
TTXVN - UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 448/KH-UBND “Phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025”. Mục tiêu của kế hoạch là bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Toàn tỉnh An Giang hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống với 3.706 hộ sản xuất, kinh doanh. Các làng nghề tạo việc làm trên 12.200 lao động, thu nhập bình quân đến 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của các làng nghề trong năm 2022 đạt 168 tỷ đồng.
Một số làng nghề tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm. Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu được các làng nghề quan tâm, chú trọng thực hiện như tơ lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, tinh dầu chúc Yến Hương...
Các làng nghề tại An Giang hoạt động ổn định, phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn; tạo ra sản phẩm hàng hóa phong phú, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, địa bàn tỉnh vẫn còn một số ít làng nghề sản xuất mang tính thời vụ như lợp lươn Cần Đăng, lợp cua Mỹ Đức... Thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chủ yếu là trong nước.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm, mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ. Đa phần các làng nghề sử dụng công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như nghề đan đát, nghề rèn... Trong 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, nhiều làng nghề chưa được đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường; trình độ quản lý hạn chế; quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu sẽ khôi phục, phát triển, công nhận ít nhất một làng nghề, làng nghề truyền thống; tập trung phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, từng lĩnh vực; hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại... Tỉnh sẽ hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề phù hợp thị trường tiêu thụ gắn với phát triển du lịch của địa phương. Việc phát triển các làng nghề góp phần đưa An Giang hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Để kế hoạch triển khai đạt kết quả tích cực, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ các làng nghề và ngành nghề nông thôn ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ khai thác, phát triển tài sản trí tuệ của các làng nghề. Các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; chọn điểm phục dựng sản xuất sản phẩm các làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với tour, tuyến du lịch.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu các Sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác theo quy định; hỗ trợ các làng nghề tham gia xúc tiến thị trường, tham gia các kỳ hội chợ để tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm...; hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm cho các cơ sở, làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Các địa phương tập trung khôi phục và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống có chiều hướng bị mai một; phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng của nghề ở địa phương như: sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm./.
- Từ khóa:
- An Giang
- bảo tồn
- phát triển
- làng nghề truyền thống