Xã hội

Góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI

Hội nghị ghi nhận 13 ý kiến đóng góp của phóng viên các cơ quan Thông tấn, báo chí vào Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI. Đến nay, dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đã trải qua 6 lần xin ý kiến.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

TTXVN - Ngày 27/6, tại Hà Nội, Hội nghị lấy ý kiến phóng viên, báo chí, truyền hình vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI đã được tổ chức.

Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI dự kiến diễn ra tháng 12/2023 tại Hà Nội, với sự tham gia của 700 đại biểu là cán bộ, hội viên, sinh viên tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Để chuẩn bị cho Đại hội, từ năm 2022, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã xây dựng các đề án, kế hoạch, hướng dẫn về tổ chức Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Một trong những nội dung quan trọng là xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Nhằm lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng cán bộ Đoàn; hội viên, sinh viên; cựu cán bộ Đoàn, Hội; các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý; phóng viên báo chí, truyền hình, Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến. Đến nay, dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội XI Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 6 lần xin ý kiến.

Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, nhiệm kỳ tới, Trung ương Hội xác định 13 nhóm chỉ tiêu thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” và hai chương trình, gồm “Tư vấn, hỗ trợ sinh viên”, “Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh” cùng 5 đề án về: Chuyển đổi số các hoạt động Hội Sinh viên Việt Nam; hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng hành, hỗ trợ tài chính sinh viên; nâng cao năng lực cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên…

Bên cạnh việc góp ý cho tiêu đề, khẩu hiệu hành động trong báo cáo, phóng viên Vũ Thơ (Báo Thanh niên) cho rằng, thay vì tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi, Hội Sinh viên Việt Nam cần tăng cường đưa sinh viên đi trải nghiệm, nhất là đến các “địa chỉ đỏ”, truyền thống, có ghi dấu lịch sử cách mạng; tăng cường tập huấn cho cán bộ Hội để mỗi cán bộ Hội là một cán bộ tốt, khi có đội ngũ nhân lực tốt thì sẽ góp phần giúp các phong trào được lan tỏa trong sinh viên…

Đồng tình với quan điểm trên, phóng viên Lưu Trinh (Báo Tiền Phong) cho rằng, công tác giáo dục muốn tốt nhất cần phải có những hoạt động trải nghiệm. Vừa qua, chương trình Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc lần đầu tiên đưa sinh viên đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hoạt động này mang rất nhiều ý nghĩa. Tại đây, các bạn sinh viên được chứng kiến những người bạn đồng trang lứa rời xa quê hương, gia đình đến những nơi khó khăn, gian khổ để gánh vác sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chương trình thực sự đã chạm đến trái tim của các bạn trẻ, thúc đẩy họ có nhiều hành động để cống hiến cho quê hương đất nước. Cách thức này có giá trị tuyên truyền tốt hơn rất nhiều so với các cách thức khác.

Phóng viên Lưu Trinh mong muốn, Hội Sinh viên Việt Nam tiếp tục tổ chức được các chuyến đi tới các “địa chỉ đỏ” để lan tỏa sâu rộng hơn về những con người, những câu chuyện truyền cảm hứng trong các chuyến đi đó. Bên cạnh đó, để Phong trào “Sinh viên 5 tốt” phát huy hiệu quả tốt hơn nữa, cần có chính sách giới thiệu “Sinh viên 5 tốt” tới các đơn vị, doanh nghiệp.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Hồ Hồng Nguyên chủ trì hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã thực sự lan tỏa, tạo môi trường phấn đấu rèn luyện cho sinh viên. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn cần đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào; xây dựng rõ những lợi ích của danh hiệu và tập trung tuyên truyền về những lợi ích này đến sinh viên, qua đó thu hút nhiều hơn nữa sinh viên phấn đấu để đạt danh hiệu.

Góp ý tại hội nghị, phóng viên Hà Thanh (Báo Tuổi trẻ) gợi mở, nên có thêm những đánh giá tác động của COVID-19 đến sinh viên và thiết kế các chương trình để hỗ trợ sinh viên về tâm sinh lý. Gần đây, có thực trạng rất nhiều sinh viên bị lừa đảo trong quá trình tìm kiếm việc làm trên mạng, phóng viên Hà Thanh cho rằng cần có giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của ứng dụng Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam mà Hội Sinh viên mới thành lập gần đây để hỗ trợ sinh viên, đưa đến cho sinh viên các thông tin việc làm, qua đó tạo một kênh thông tin tin cậy cho sinh viên./.

M.H

Xem thêm