Công đoàn xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ
Tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn.
TTXVN - Ngày 22/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị khảo sát tình hình quan hệ lao động các tỉnh, thành phố phía Nam hướng đến xây dựng Đề án “Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, giai đoạn 2023 - 2028”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Ban quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực quan hệ lao động.
Do vậy, Đề án “Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, giai đoạn 2023 - 2028” là một trong những nội dung trọng tâm của tổ chức Công đoàn trước tình hình mới. Qua đó, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn; củng cố tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, trong quan hệ lao động để phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới của tổ chức hoạt động Công đoàn.
Ông Nguyễn Vinh Quang cũng đề cập đến thực trạng quan hệ lao động Việt Nam hiện nay; vai trò, kết quả, những tồn tại, hạn chế của các cấp Công đoàn trong quá trình thực hiện và xây dựng quan hệ lao động; khẳng định đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thay đổi căn bản và toàn diện việc tham gia tổ chức Công đoàn trong xây dựng và phát triển quan hệ lao động trong thời gian tới…
Chia sẻ thực trạng công nhân lao động hiện nay, ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn gỗ Leefu (Khu công nghiệp Tam Phước, Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc sụt giảm đơn hàng khiến người lao động không tăng ca, thu nhập giảm; thậm chí nhiều công nhân ngừng việc, mất việc mất luôn cả thu nhập.
Từ những khó khăn trên, ông Kiều Văn Đồng đề xuất các bộ, ngành khi xây dựng, ban hành những quy định, chính sách hỗ trợ không chỉ bám sát với thực tiễn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn dễ dàng tiếp cận.
Ông Kiều Văn Đồng nêu cụ thể, hơn 3.700 công nhân của công ty bị ảnh hưởng giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, đến nay gần hết thời hạn nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. “Không nên xây dựng chính sách chỉ nằm trên giấy, mà chính sách cần hướng đến thực tế, thực tiễn; các chế độ phúc lợi, quyền lợi phải nhanh chóng đến tay người lao động”, ông Kiều Văn Đồng chia sẻ.
Ông Kiều Văn Đồng đề xuất chính quyền cần quan tâm sâu sát hơn về tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương; trong đó có cả các khu công nghiệp và cả trong doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn phối hợp với các ngành liên quan trong tỉnh hay thành phố xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho người lao động vui chơi, giải trí như: sân chơi, nhà giữ trẻ…
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đầu tư và Tiếp vận Mê Kông (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề xuất tổ chức thêm nhiều sân chơi dưới nhiều hình thức đơn giản, phù hợp với công nhân, người lao động.
“Việc quan tâm, hỗ trợ công nhân người lao động từ vật chất đến tinh thần sẽ giúp họ đoàn kết, gắn bó, tích cực tham gia các phong trao thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hơn hết là xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp”, bà Hạnh chia sẻ.
Để Công đoàn cơ sở tham gia hiệu quả trong xây dựng và phát triển quan hệ lao động tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh đề xuất tổ chức Công đoàn cần đổi mới nội dung nhiệm vụ Công đoàn theo hướng tập trung; đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn cần chú trọng những nhiệm vụ thiết thực đối với đoàn viên, giảm bớt các nhiệm vụ không liên quan; chủ động tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, khắc phục bệnh hình thức, hành chính, quan liêu...
Tương tự, ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, việc hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của người lao động, bảo vệ được người lao động trong quan hệ lao động, mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động Công đoàn có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ.
Ông Kiều Minh Sinh đề xuất, Công đoàn cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động công đoàn dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của số đông người lao động; vận động đoàn viên, công nhân lao động khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời chủ động nắm chắc tình hình tại cơ sở, dự báo nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công.
Bên cạnh đó, Công đoàn cần phối hợp các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng, hướng dẫn đối thoại định kỳ, xây dựng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, mạng lưới an toàn vệ sinh viên…
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã trao đổi thực tiễn quan hệ lao động tại các địa phương; phát huy mặt được, khắc phục hạn chế.
Các đại biểu cũng dự báo bối cảnh, tình hình, xu hướng, cơ hội, thách thức trong quan hệ lao động trong thời gian tới; kỳ vọng mong muốn, yêu cầu của từng bên đối với hoạt động Công đoàn cùng những khuyến nghị đối với tổ chức Công đoàn, Nhà nước, người sử dụng lao động và đối tác phối hợp.../.