Các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho hàng triệu người dân.
TTXVN - Mùa nắng nóng đang đến gần, nguy cơ cháy, nổ tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội rất cao. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình tại thành phố sử dụng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, không trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy cơ bản như bình chữa cháy, chuông, còi báo cháy, đèn báo sự cố, thiếu lối thoát hiểm thứ 2… Ngoài ra, tình trạng lơ là, bất cẩn trong sử dụng các thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt… làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
* Tuyên truyền về phòng cháy - “mưa dầm thấm lâu”
Để hạn chế xảy ra cháy, nổ cũng như trang bị kỹ năng, kiến thức trong xử lý các tình huống cháy xảy ra, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho hàng triệu người dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, dễ hiểu...
Ngày 18/3, tại vỉa hè phía trước Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhiều người dân, học sinh và các du khách được Công an quận trực tiếp tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hướng dẫn kỹ năng cơ bản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, thao tác sử dụng đối với một số phương tiện chữa cháy thông dụng.
Cũng tại đây, Công an quận trưng bày 20 bức ảnh về hoạt động thực tế để người dân và du khách hiểu rõ hơn và chia sẻ với những gian nan, vất vả, không kém phần nguy hiểm của người lính cứu hỏa khi chiến đấu với “giặc lửa”. Qua đó, người dân tận mắt thấy được những thiệt hại ghê gớm về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, từ đó có ý thức hơn trong công tác phòng, chống cháy, nổ ngay tại gia đình, khu dân cư.
Ngày 20/3, Công an quận Hà Đông tổ chức tập huấn cho khoảng 2.500 đội viên Đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng thuộc 17 phường trên địa bàn quận. Các đội viên dân phòng được tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ như chập điện, cháy do gas, cồn, thắp hương… Trên cơ sở thực tiễn, giảng viên đã đưa ra các biện pháp xử lý tình huống cháy tại chỗ, các biện pháp thoát nạn phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
Để việc tuyên truyền sinh động, dễ hiểu hơn, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) phối hợp với một doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hội thi kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy dành cho các công nhân. Các đội tham gia phải vượt qua các nội dung như chạy dập tắt cháy giả định, cứu người bị nạn và phun nước tiêu điểm. Nhiều đội thi có kỹ năng và thành thạo thao tác các khâu dập lửa, cứu người nhanh, phun nước đúng điểm.
Tham gia hội thi, công nhân Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: "Qua tập huấn, chúng tôi được biết “thời điểm vàng” để thực hiện dập lửa là không quá 5 phút kể từ khi đám cháy xuất hiện". Vì vậy, việc huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi mới xảy ra hỏa hoạn theo phương châm “4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm “lực lượng trong dân - phương tiện trong dân - hậu cần trong dân và chỉ huy ở trong dân” là rất quan trọng. Từ đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là cần nâng cao nhận thức cho lực lượng công nhân làm việc trực tiếp tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp để có kỹ năng xử lý tình huống cháy.
Ông Nguyễn Mạnh Hòa, Đội phó Đội dân phòng Tổ dân phố số 3, phường Mộ Lao (Hà Đông) chia sẻ: Hàng năm, các kiến thức, quy định mới về phòng cháy, chữa cháy được ban hành. Qua những buổi tuấn huấn, diễn tập chúng tôi kịp thời nắm bắt chủ trương để tuyên truyền cho nhân dân trong tổ dân phố. Sau khi được bồi dưỡng cách sử dụng trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy, trường hợp có vụ việc xảy ra, chúng tôi kịp thời ứng phó, xử lý ngay.
* Nhiều mô hình chữa cháy hiệu quả
Nhờ nắm bắt được các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, tâm huyết với việc bảo vệ tài sản tính mạng của người dân, nhiều tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã lập ra những tổ chữa cháy, bước đầu phát huy hiệu quả.
Theo UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), địa bàn đã thành lập 351 mô hình phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, 4 phường xây dựng được 22 mô hình mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, 18 phường đã xây dựng 310 điểm chữa cháy công cộng, 2 phường đã xây dựng được 19 mô hình Đội dân phòng hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từ các mô hình này, ý thức của người dân trong phòng cháy, chữa cháy được nâng lên.
UBND quận Hai Bà Trưng cho biết thêm, quận phấn đấu trong thời gian tới mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và được trang bị ít nhất một bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện phục vụ phá dỡ, thoát nạn.
Tại quận Ba Đình, cả 217 tổ dân phố trên địa bàn đều thành lập Đội chữa cháy dân phòng. Các Đội đều được tập huấn, trang bị những phương tiện, thiết bị chữa cháy. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, qua thống kê, khoảng 70% các vụ việc được lực lượng tại chỗ và quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời, dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Kết quả này cho thấy, các tổ liên gia, mô hình phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã bước đầu phát huy hiệu quả từ việc trang bị kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho quần chúng nhân dân.
Không lơ là với “giặc hỏa”, UBND quận yêu cầu các phường cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời bổ sung trang bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức thực tập phương án chữa cháy cho các đội phòng cháy của khu dân cư, đảm bảo tính chủ động trong công tác chữa cháy trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, Đội Phòng cháy, chữa cháy tổ dân phố chia sẻ, Đội có từ 10 - 15 người, được lựa chọn từ cơ sở. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, những thành viên của Đội sẽ là các "chiến binh" - lực lượng nòng cốt trong dập lửa, cứu người tại mỗi khu dân cư. Trước khi lực lượng cứu hỏa chuyên trách tới, các thành viên trong Đội đều là dân cư địa phương, thông thuộc địa hình, sẽ vận dụng kiến thức để triển khai chữa cháy bước đầu cho nhanh và hiệu quả, từ việc cắt điện ở đâu, lấy nước như thế nào... để dập tắt đám cháy nhanh nhất.
Thành phố Hà Nội xác định rõ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội, căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, thành phố yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình. Tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy.
Thành phố Hà Nội phấn đấu trong năm 2023, trên địa bàn Thủ đô, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 100% người làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở thuộc diện quản lý phải được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- phòng cháy
- chữa cháy
- nguy cơ cháy
- nổ