Các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ về phương pháp xây dựng, tổ chức, thực hiện chiến lược và quản trị.
TTXVN - Đây chính là một trong những chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành sức khỏe, đáp ứng nhu cầu xã hội. Thông tin trên được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành sức khỏe Thành phố nhiệm kỳ 2021-2025, chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng hỗ trợ các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại Thành phố Hồ Chí Minh”, chiều 21/3.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, những thay đổi của kinh tế, xã hội gần đây buộc các cơ sở giáo dục đại học phải xem xét lại mô hình, nội dung, phương thức đào tạo để có thể đáp ứng và thích nghi với điều kiện mới. Không ngoại lệ, các trường đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các trường đại học ngoài công lập. Làm sao để quản trị hiệu quả những gì đang có, thu hút người học, đảm bảo chất lượng nhân lực đầu ra là vấn đề mà các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe đang gặp phải.
Trong khi đó, đa số các trường gặp những hạn chế, như lập kế hoạch khi không đủ dữ liệu phân tích bối cảnh phát triển; thiếu những dự đoán chính xác về xu hướng thay đổi của nền kinh tế, xã hội; xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động hằng năm thay vì kế hoạch dài hạn; kế hoạch được lập thiếu các chỉ số, chỉ báo cụ thể để theo dõi hiệu quả thực hiện; năng lực quản lý, điều hành, giám sát và kiểm tra/đánh giá của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ khoa học chưa phù hợp với bối cảnh mới…
“Các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe là loại hình đào tạo đặc thù bởi chất lượng nhân lực y tế liên quan đến tính mạng con người. Do đó, các trường cần có chiến lược xây dựng chương trình, đội ngũ, lập kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hơi để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo người học có chuẩn năng lực nghề nghiệp tốt nhất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.
Là một trong 2 trường đào tạo chuyên sâu nhân lực ngành y dược bậc đại học, sau đại học cho Thành phố, các tỉnh, thành phía Nam, Nam Trung Bộ và nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh đã cử các chuyên gia hỗ trợ các trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe trên địa bàn.
Mới đây, Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe trên địa bàn Thành phố cũng được thành lập, gồm các trường đại học: Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Quốc tế Hồng Bàng; Tôn Đức Thắng; Nguyễn Tất Thành; Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội đồng đã thống nhất xây dựng cơ chế chia sẻ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học… giữa các trường thành viên trong khối ngành sức khỏe, hướng đến “đại học chia sẻ”. Trong đó, các thành viên phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng khung chương trình đào tạo và chuẩn hóa đầu ra theo tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn các tỉnh, thành phố trên cả nước./.