Khi đưa các sản phẩm, mặt hàng về với vùng sâu, vùng xa, các đơn vị tham gia đã cung ứng hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo được nhu cầu của Nhân dân.
(TTXVN) - Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân của tỉnh Phú Yên đã tích cực hưởng ứng. Nhân dân, doanh nghiệp ở tỉnh Phú Yên từng bước nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò to lớn của mình trong việc thực hiện Cuộc vận động, tích cực tham gia các chương trình mua sắm sản phẩm Việt có chất lượng cao góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày một uy tín.
* Người dân “ưu tiên” dùng hàng Việt
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã tập trung phát triển các điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trong đó có nhiều hỗ trợ đối với các cửa hàng tiện lợi. Trong năm 2022, đã hỗ trợ xây dựng 08 điểm bán hàng Việt tại tại các huyện, thị xã, thành phố: Sơn Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Tuy Hòa; xây dựng 45 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương; xây dựng 47 cửa hàng tiện lợi để qua đó tạo kênh bán lẻ hàng Việt đến người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Là người thường xuyên đi mua sắm hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt gia đình tại các điểm bán hàng Việt, anh Lê Xuân Dương, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên chia sẻ: Trên địa bàn huyện hiện nay mặt hàng phục vụ tiêu dùng của người dân khá nhiều từ nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, gia đình tôi luôn lựa chọn hàng thương hiệu Việt để mua. Các mặt hàng Việt thường được bày bán ở các cửa hàng tiện lợi vị trí ở trung tâm xã, thị trấn. Đa số mặt hàng có giá cả hợp lý, chất lượng tốt, hình thức cũng được cải tiến nên càng ngày càng hấp dẫn.
Theo báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên: Qua công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của đoàn viên, hội viên, người dân và doanh nghiệp về cuộc vận động. Nhân dân nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối thương mại… đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để đánh giá, so sánh, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng nhậu lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Trong năm 2022 hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh Phú Yên ổn định và tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện đạt gần 43.900 tỷ đồng, vượt 17,6% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện hơn 23.600 tỷ đồng, đạt 51,4% kế hoạch, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
* Đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa
Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được Sở Công Thương tỉnh Phú Yên và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tổ chức 02 phiên đưa hàng Việt về miền núi tại xã Ea Chà Rang và xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa với 9 doanh nghiệp tham gia, thu hút 5.800 lượt khách tham quan mua sắm với doanh thu bán hàng đạt 169,2 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Yên đã tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa với 8 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, thu hút được 4.350 khách tham quan, mua sắm, doanh số đạt 275 triệu đồng; tổ chức đưa hàng Việt về tại thành phố Tuy Hòa thu hút hơn 26 doanh nghiệp tham gia với 18 gian hàng, hơn 2.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu 551 triệu đồng; đợt tháng 6/2023, đã tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện Sông Hinh với 10 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, thu hút được 4.500 khách tham quan, mua sắm, doanh số đạt 157,5 triệu đồng.
Khi đưa hàng Việt Nam về với vùng sâu, vùng xa, các đơn vị tham gia đã cung ứng hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo được nhu cầu của Nhân dân. Đặc biệt có một số mặt hàng nằm trong chương trình giảm giá, khuyến mại của các siêu thị như: Co.op Mart Tuy Hòa, Winmart Tuy Hòa, V’mart. Các chương trình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân và chính quyền địa phương.
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Phú Yên, hoạt động khuyến mại trong tỉnh thời gian qua đã diễn ra hết sức sôi động, đặc biệt tập trung vào các ngày lễ, tết. Các chương trình khuyến mại được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: bốc thăm trúng thưởng, quay số trúng thưởng, giảm giá, mua hàng tặng hàng, hội nghị tri ân khách hàng, bán hàng kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng tham gia chương trình để chọn người trao thưởng… đã thu hút người tiêu dùng tham gia mua sắm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và kích cầu tiêu dùng…
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả cao, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, Trưởng ban vận động kiến nghị: Chính phủ cần ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong việc mở rộng hệ thống phân phối từ thành thị đến nông thôn từng bước hình thành chuỗi sản xuất ổn định vững chắc; hỗ trợ các doanh nghiệp về tổ chức, điều tra, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng. Quan tâm chỉ đạo xây dựng và triển khai có hệ thống công tác thông tin, dự báo thị trường trong nước và quốc tế, làm cơ sở để định hướng sản xuất. Bên cạnh đó, chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền gắn với thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo điều kiện các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện cuộc vận động cần nghiên cứu biên soạn, cung cấp tài liệu tuyên truyền về cuộc vận động để thống nhất việc tuyên truyền trong cả nước. Tăng cường hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương xây dựng, đề ra các giải pháp phù hợp thực hiện Cuộc vận động trong điều kiện thực tiễn hiện nay./.