Xã hội

Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

Thừa Thiên Huế

Văn hóa gia đình là nền tảng quan trọng của văn hóa Việt Nam. Truyền thống gia đình Việt Nam luôn đề cao trách nhiệm, tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên.

Hội thi góp phần tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi bạo lực, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

TTXVN - Ngày 24/7, tại thành phố Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022” cụm miền Trung - Tây Nguyên.

Khai mạc Hội thi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, ngày 14/11/2022, tại kỳ thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Hội thi lần này nhằm tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Qua hội thi, Ban Tổ chức mong muốn, mỗi hội viên phụ nữ sẽ là một báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng "an toàn, bình đẳng, không bạo lực, không xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em".

Hội thi thu hút sự tham gia của 8 đội đến từ các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Đắk Lắk. Các đội tham gia tranh tài ở 3 phần thi gồm: chào hỏi, xử lý tình huống và tiểu phẩm về chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình.

Ban Tổ chức hội thi đã trao giải Nhất cho đội Thanh Hóa; giải Nhì cho đội Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Ba đội Nghệ An, Kon Tum và Quảng Trị đồng giải Ba.

Văn hóa gia đình là nền tảng quan trọng của văn hóa Việt Nam. Truyền thống gia đình Việt Nam luôn đề cao trách nhiệm, tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình có những diễn biến phức tạp. Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, trung bình mỗi ngày có 64 phụ nữ và 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực; cứ 3 phụ nữ, có gần một người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Phụ nữ từng bị chồng hoặc người khác bạo lực có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với phụ nữ chưa từng bị bạo lực. Bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tâm lý của trẻ em.

Nghiên cứu năm 2020 của UNICEF cho thấy, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất, mức độ. Thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: nâng cao nhận thức, kỹ năng cho phụ nữ, giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống; xây dựng mô hình Đảm bảo an toàn, Nhà tạm lánh, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; chủ động tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tích cực giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật trong lĩnh vực gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.

Để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần cùng toàn xã hội triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức cuộc thi Tìm hiểu kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 qua hình thức trực tuyến, thu hút trên 63.000 lượt người tham dự./.

Tường Vi

Xem thêm