Thời sự

Phú Yên nắm bắt thời cơ, tạo bước đột phá để phát triển

Phú Yên

Hơn 2 năm qua, Phú Yên đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 5,43%.

TTXVN - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, kinh tế - xã hội được đánh giá là cơ bản ổn định, phục hồi và có mặt phát triển. Mặc dù dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ở mức cao nhất.

* Kinh tế - xã hội duy trì phát triển

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho thấy, hơn 2 năm qua, địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), bình quân hàng năm đạt 5,43%; trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,9% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 3,72%, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Dự kiến, cả năm 2023 đạt 8,02% đúng theo kế hoạch đề ra.

Hoạt động du lịch từng bước phục hồi sau COVID-19 với lượng du khách đến Phú Yên và doanh thu du lịch tăng khá. Năm 2022, địa phương đón khoảng 2,2 triệu lượt khách; dự kiến năm 2023 đạt khoảng 2,4 triệu lượt khách.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 25% trong GRDP của tỉnh và từng bước trở thành khu vực kinh tế quan trọng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 786 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 8.345 tỷ đồng; dự kiến năm 2023 cấp mới đăng ký kinh doanh cho khoảng 510 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 4.600 tỷ đồng. Lũy kế doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2022 là 3.521; đến cuối tháng 6/2023 là 3.630 doanh nghiệp và ước đến cuối năm 2023 đạt khoảng 4.200 doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp xúc và đồng hành với hơn 20 nhà đầu tư khảo sát địa điểm, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án với tổng vốn đăng ký trên 11.940 tỷ đồng.

Trong năm 2021-2022, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 47 nghìn lao động, dự kiến năm 2023 là khoảng 25 nghìn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi bình quân giảm và chỉ chiếm khoảng 3,29% vào năm 2021; 2,95% vào năm 2022 và năm 2023 ước khoảng 2,6%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 ước đạt 62,7 triệu đồng/người/năm (bằng 71,25% so với chỉ tiêu đề ra đến cuối năm 2025 đạt khoảng 3.830 USD tương đương 88 triệu đồng).

Theo ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tuy thấp hơn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (8,5%/năm) nhưng thể hiện sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, cả nước nói chung và địa phương nói riêng. Một số vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển. Các đối tượng chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được địa phương chăm lo, hỗ trợ đầy đủ.

* Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, tổng thể bức tranh kinh tế của địa phương cơ bản ổn định nhưng chưa có nhiều khởi sắc. Quy mô nền kinh tế còn khá nhỏ so với các tỉnh trong khu vực và cả nước (năm 2022 đứng thứ 11/14 tỉnh, thành phố trong khu vực và đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Tốc độ tăng trưởng GRDP còn thấp so với kế hoạch. Tỉnh chưa phát huy được hết các tiềm năng, thế mạnh để tạo bước tăng trưởng đột phá. Thu ngân sách chưa ổn định do không có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững.

Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, tỉnh dự kiến có 10/14 chỉ tiêu thực hiện tốt và có khả năng đạt theo Nghị quyết đề ra; 3/14 chỉ tiêu thực hiện thấp, rất khó có khả năng đạt (tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm 8,5%/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; số bác sĩ/vạn dân). Riêng đối với chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước, địa phương có thể đạt được theo kế hoạch nếu có những động lực mới, giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu tốt.

Với quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu Jinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Cùng với đó, các cơ quan chức năng hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành đảm bảo đồng bộ để làm căn cứ thực hiện.

Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu sớm triển khai đầu tư vào Khu Công nghiệp Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án ngoài ngân sách. Địa phương từng bước xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm.

Ông Tạ Anh Tuấn khẳng định, để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm 8,5% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh phải đạt 8% và giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân trên 11,5%. Đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn. Với những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm tích lũy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua khó khăn, thách thức; hoàn thành mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ.../.

Xuân Triệu

Tin liên quan

Xem thêm