Văn hóa

Phục dựng, tôn vinh hệ thống di tích Chúa Nguyễn gắn với phát triển du lịch

Quảng Trị

Vai trò của các dinh phủ Chúa Nguyễn tại Triệu Phong không chỉ mở đầu cho sự nghiệp của các Chúa và Vua Nguyễn, mà còn mang tính định hướng cho sự phát triển trong xu thế của đất nước là mở cõi, bảo vệ chủ quyền.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

TTXVN - Ngày 22/11, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng cũng như tầm vóc, vai trò, vị trí của các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đối với sự nghiệp mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn để hình thành lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định việc khai mở vùng đất dinh Ái Tử, Dinh Bát và Dinh Cát trên đất Quảng Trị là tầm nhìn lớn của Chúa Nguyễn về phát triển xứ Đàng Trong. Từ đất Triệu Phong, các Chúa Nguyễn không những mở đầu cho hành trình mở cõi mà cũng mở đầu cho chính sách mở cửa tích cực, giao dịch với nhiều nước ở phương Đông và phương Tây, khai sinh "trung tâm thương mại quốc tế" Hội An. Vai trò của các dinh phủ Chúa Nguyễn tại Triệu Phong không chỉ mở đầu cho sự nghiệp của các Chúa và Vua Nguyễn, mà còn mang tính định hướng cho sự phát triển trong xu thế của đất nước là mở cõi, bảo vệ chủ quyền đi đôi với chính sách mở cửa phát triển ngoại thương của thời đại hàng hải kết hợp với hàng hóa mang tính toàn cầu. Các Chúa Nguyễn đã thành công và vùng đất Triệu Phong, Quảng Trị đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của dân tộc, nơi ghi dấu chính quyền đầu tiên trong hành trình mở cõi. Vì vậy, cần sớm phục dựng, tôn vinh và phát triển du lịch đối với Khu di tích Chúa Nguyễn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cần xây dựng tuyến du lịch di sản Chúa Nguyễn từ Thanh Hóa (nơi phát tích của vương triều Nguyễn), Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế (có phủ Chúa và lăng mộ các Chúa), lấy Triệu Phong làm trung tâm, vì đây là khu dinh phủ đầu tiên của Chúa Nguyễn và là điểm đầu hành trình mở cõi. Đồng thời, xây dựng tour du lịch nội tỉnh: Hệ thống thủ phủ, kinh đô, thủ đô của các Nhà nước Việt Nam trên đất Quảng Trị theo lịch đại, gồm có: Các dinh phủ Chúa Nguyễn tại Triệu Phong thời chúa Nguyễn; Tân Sở - Kinh đô yêu nước triều Nguyễn mở đầu phong trào Cần Vương; Cam Lộ - Thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1973-1975).

Lễ rước và an vị pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Chúa Nguyễn Hoàng) tại thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626)” đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố vào dịp kỷ niệm 465 năm Đoan Quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong. Ông Hoàng Nam đề nghị, huyện Triệu Phong kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trong nhân dân và xã hội những giá trị lịch sử, những công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi. Các ngành chức năng tiến hành khai quật khảo cổ toàn diện, trên phạm vi, quy mô rộng tại dinh Chúa Nguyễn; tập trung sưu tầm, thu thập các tài liệu, tư liệu, hiện vật, phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Trước mắt, địa phương cần tiến hành khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc chỉ giới, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích, ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội hóa và nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình như đền thờ Nguyễn Hoàng để tôn vinh, tri ân, tưởng niệm, hướng đến kỷ niệm 500 năm Ngày sinh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 2025).

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, Châu Thuận (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trong 68 năm, từ năm 1558 đến năm 1626, Chúa Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh phủ/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát. Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt. Tuy nhiên, qua gần 500 năm chịu nhiều biến động của các cuộc chiến tranh, thiên tai, bão lụt... , những dấu tích, di sản văn hóa một thời từng là thủ phủ, “kinh đô” của một triều đại vốn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc đã bị xóa nhòa. Vì thế, những vấn đề cốt lõi về thực chất của mục đích, ý đồ các lần di dời thủ phủ/dinh phủ/dinh trấn trên một địa thế chưa đầy hai cây số vuông thuộc vùng cát Ái Tử - Trà Bát vẫn còn là những ẩn số chưa có lời đáp thỏa đáng.

Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích thời Chúa Nguyễn trên vùng đất huyện Triệu Phong chưa được nhìn nhận và đánh giá tương xứng với vai trò của Chúa Nguyễn trong lịch sử. Do vậy, nghiên cứu Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản không chỉ làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học, pháp lý công nhận di tích này mang tầm Quốc gia, mà còn để phục vụ việc quy hoạch, đầu tư, tôn tạo di tích nhằm bảo tồn, sử dụng và khai thác tiềm năng di tích vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị cũng như cả nước./.

Nguyên Linh

Tin liên quan

Xem thêm