Môi trường

Phương pháp tiếp cận chuyển đổi kép: Số hóa và biến đổi khí hậu

TP. Hồ Chí Minh

Các giải pháp kỹ thuật số có thể giảm 20% lượng khí thải toàn cầu, do đó, số hóa thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cần tăng tốc hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 30/7, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp cùng một số đơn vị trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên về Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước 2024 (ELG2024) với chủ đề “Phương pháp tiếp cận chuyển đổi kép: Số hóa và biến đổi khí hậu ở các quốc gia đang phát triển”, tại Thành phố.

Tại phiên khai mạc, các chuyên gia chia sẻ, xu hướng số hóa đang được chú trọng trên toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực từ quản trị, giáo dục, y tế đến công nghiệp và thương mại. Các quốc gia đang tích cực triển khai đa dạng dịch vụ chính phủ điện tử, nền tảng học trực tuyến, y tế từ xa, dự án thành phố thông minh… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2022, các giải pháp kỹ thuật số có thể giảm 20% lượng khí thải toàn cầu. Do đó, số hóa thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cần tăng tốc hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, số hóa có tiềm năng biến đổi nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống; còn biến đổi khí hậu đòi hỏi những giải pháp cấp bách và bền vững để đảm bảo hạnh phúc cho thế hệ tương lai. Với bối cảnh của các nước đang phát triển, giải quyết thách thức của số hóa và biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm mức độ phức tạp và cấp bách, bởi nguồn lực hạn chế, khoảng cách về cơ sở hạ tầng và sự chênh lệch về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng có cơ hội bỏ qua những mô hình phát triển truyền thống bằng cách áp dụng giải pháp đổi mới trong giải quyết đồng thời cả số hóa và tính bền vững.

Với cách tiếp cận mang tính chuyển đổi kép (Twin transition), các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có thể vận hành chương trình tích hợp chuyển đổi số và phát triển bền vững để hướng công cụ kỹ thuật số phục vụ quá trình đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo nền tảng vững chắc hơn cho tổ chức của họ trong tương lai. Phương pháp tiếp cận chuyển đổi kép với việc kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể mang lại hiệu quả to lớn cho phát triển bền vững thay vì tiếp cận yếu tố kỹ thuật số, yếu tố bền vững một cách riêng biệt.

Chuyển đổi kép còn có thể tạo ra tác động tích cực nhờ vào xanh hóa công nghệ và cơ sở hạ tầng song hành với việc thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ tổ chức. Trên thực tế, dù một số tổ chức đã nhận thức được tính cấp thiết của quá trình chuyển đổi kép nhưng nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn do thiếu phương pháp tiếp cận nhất quán, sự phức tạp trong việc triển khai, yêu cầu về trách nhiệm giải trình, hoặc do xung đột giữa các chiến lược ưu tiên.

Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước cho biết, đây là sự kiện quan trọng được tổ chức hàng năm, tạo cơ hội để các chuyên gia gặp gỡ và trao đổi ý tưởng, đồng thời góp phần đưa ra những giải pháp thiết thực cho tương lai của các nước đang phát triển trong bối cảnh chuyển đổi kép hiện nay. Các bài trình bày tại Hội thảo năm nay nêu bật nhiều quan điểm, chuyên môn khác nhau về lĩnh vực biến đổi khí hậu, tính bền vững của môi trường, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Với nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tham gia, sự kiện được kỳ vọng sẽ nâng cao sự hiểu biết về vai trò của số hóa và biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế đương đại.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 30 - 31/7, với 3 phiên toàn thể, 104 bài được chọn trình bày trong 26 phiên thảo luận song song với sự tham gia của chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, 9 phiên thảo luận dành riêng cho lĩnh vực Luật và Pháp lý nhằm nêu bật vai trò quan trọng của nghiên cứu pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi kép./.

Trần Thị Mỹ Phương

Xem thêm