Nhiều ý kiến khẳng định, đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia đặc biệt quan trọng, có tác động tới sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực.
Ngày 20/7, tại thành phố Huế, Trường Đại học Nông Lâm (thuộc Đại học Huế) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 2, với chủ đề "Quản lý và sử dụng tài nguyên đất thích ứng với biến đổi khí hậu".
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Trần Thanh Đức nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu trình bày, trao đổi các kết quả liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu; là cơ hội giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy việc kết nối, hợp tác giữa các đơn vị có đào tạo quản lý đất đai và tài nguyên môi trường trong cả nước. Đây cũng là dịp gặp gỡ, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, đặc biệt là việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Hội thảo có sự tham gia của trên 250 đại biểu với 132 báo cáo khoa học. Ngoài phiên toàn thể, hội thảo có 5 phiên chuyên môn bao gồm: Tài nguyên đất đai và môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; Quy hoạch sử dụng đất – Khai thác nguồn lực tài chính về đất đai; Ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên; Quản lý nhà nước về đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Định giá đất và bất động sản. Nhiều tham luận đã đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất, đáng chú ý như: Quản lý sử dụng đất bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam: cơ hội và thách thức; Sạt lở bờ biển và biến động đường bờ tại miền Trung trường hợp cửa biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế); Tài nguyên môi trường và sự phát triển bền vững nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long...
Nhiều ý kiến khẳng định, đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia đặc biệt quan trọng, có tác động tới sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã cơ bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất trong bối cảnh phát triển hiện tại của quốc gia và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên nói chung, quản lý đất đai nói riêng. Việt Nam là một trong số các nước bị tác động rất nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, như: hạn hán, lũ lụt, sạt lở, xâm nhập mặn, bão… gây ra rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, sử dụng đất.
Trước thực trạng đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất hiệu quả nhằm khai thác, quản lý, sử dụng, quản trị và bảo vệ đất đai một cách khoa học, hợp lý. Theo đó, cần sử dụng hiệu quả các công cụ về chính sách và công nghệ để làm gia tăng giá trị sử dụng đất, vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên quý giá này cho các thế hệ mai sau.
Tại hội thảo, Ban tổ chức đã trao cờ luân lưu cho Trường Đại học Cần Thơ – đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 3, năm 2025./.