Chính phủ hành động

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính công, tài sản công tại các địa phương

Hà Nội

Kiểm toán nhà nước đã tư vấn giúp các địa phương hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Chiều 23/2, tại Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các địa phương, đồng thời đề xuất các phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các bên trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố còn một số hạn chế nhất định cần trao đổi để hoàn thiện.

Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác tại Hội nghị cho thấy, sau khi ký kết, Kiểm toán nhà nước và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trên cơ sở tuân theo pháp luật và quy định của các bên tham gia.

Công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu đề ra với những nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thể hiện trên các mặt: xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương, giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước…

Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã tư vấn giúp các địa phương hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa Kiểm toán nhà nước và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã có đóng góp thêm một số ý kiến về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa các bên trong thời gian qua, cũng như định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, Hội nghị là dịp để Kiểm toán nhà nước và 5 địa phương nhìn lại quá trình triển khai Quy chế đã ký trong những năm qua; đồng thời đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với Kiểm toán nhà nước khu vực VI và 5 tỉnh, thành phố để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, nhất là trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương.

Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương cùng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán. Địa phương cần chủ động đề xuất nội dung kiểm toán gắn với đặc thù của địa phương, thông qua đó giúp tinh gọn đầu mối kiểm toán mà vẫn đem lại hiệu quả; phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai kiểm toán, đặc biệt là trong quá trình trao đổi cung cấp thông tin cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên. Kiểm toán nhà nước cũng sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn đối với các địa phương, đơn vị trong thực hiện vấn đề này cho thuận lợi.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chú trọng phối hợp trong việc tạo điều kiện cho Kiểm toán nhà nước khu vực VI tham gia vào công tác xây dựng, lập dự toán, quyết toán ngân sách để phục vụ cho công tác kiểm toán được tiếp cận thông tin từ sớm; giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán, giúp giữ vững đạo đức công vụ, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp xử lý tin tố giác tham nhũng, tiêu cực; đào tạo kiến thức về tài chính, ngân sách cho cán bộ dân cử.

Năm 2024, Kiểm toán nhà nước tiếp tục hành động theo phương châm "Gọn nhưng chất lượng", gắn với việc lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước, kế hoạch kiểm toán đã được ban hành với 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tập trung kiểm toán chuyên đề...

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế đã ký kết cho phù hợp với quy định và tình hình mới./.


Đỗ Bình

Xem thêm