Thời sự

Quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Hà Nội

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn các bộ, ban, ngành tiếp tục dành tình cảm quan tâm, chăm sóc các nạn nhân, coi họ như người thân để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi thăm Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội.
Ảnh: Kim Anh - TTXVN

Sáng 10/8, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tới thăm và tặng quà các nạn nhân đang ở tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội.

Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, đã có khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam nước ta, khiến cho hơn 3 triệu ha rừng bị tàn phá nặng nề, hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc hóa học, khoảng 3,1 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang vật lộn với bệnh tật, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh bởi chất độc da cam/dioxin.

Chia sẻ sâu sắc với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá việc khắc phục các hậu quả sau chiến tranh vẫn nặng nề, đặc biệt là đối với những nạn nhân da cam với nhiều di chứng qua các thế hệ, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống, điều kiện kinh tế của nạn nhân và gia đình. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần làm tốt hơn nữa việc khắc phục hậu quả, thực hiện chính sách xã hội.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương và cảm ơn những nỗ lực chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội và 26 Trung tâm khác trên cả nước. Những công việc chăm sóc của các cán bộ, người lao động tại Trung tâm không chỉ đơn thuần là hoạt động chuyên môn mà còn bao hàm tình cảm, quan tâm chăm sóc mang ý nghĩa nhân văn và giàu tình người.

Đồng thời, Phó Chủ tịch nước mong muốn các bộ, ban, ngành tiếp tục dành tình cảm quan tâm, chăm sóc các nạn nhân, coi họ như người thân để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, không bỏ lại họ ở phía sau. Những việc làm ý nghĩa này cũng là để các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhìn thấy hậu quả chiến tranh, từ đó có biện pháp chung tay giữ gìn, trân quý hòa bình và khắc phục những nguy cơ của chiến tranh hóa học gây ra đối với nhân loại.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giao nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện chính sách chăm sóc nạn nhân có hiệu quả và thiết thực. Đồng thời nghiên cứu, ban hành quy trình chăm sóc cụ thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin để quy chuẩn phương pháp điều trị, giảm khó khăn vất vả cho nạn nhân và người chăm sóc, bớt gánh nặng cho xã hội, giúp các nạn nhân, gia đình từng bước ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ảnh: Kim Anh - TTXVN

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ảnh: Kim Anh - TTXVN

Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố, chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và tẩy độc cho cựu chiến binh và con của họ bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; người có nhu cầu được nuôi dưỡng, tẩy độc, trong đó chủ yếu là ưu tiên nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng tại nhà.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao quà cho đại diện lãnh đạo Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội.
Ảnh: Kim Anh - TTXVN

Hiện, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 122 nạn nhân với thể trạng sức khỏe kém và nặng. Nhiều người bị bệnh nặng, bệnh tâm thần đã được điều trị nhiều năm không tiến chuyển, có hành vi bất thường, tăng động mạnh, đi lại tự do, có nguy cơ gây nguy hại cho bản thân và những người xung quanh, dẫn đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lãnh đạo, cán bộ và người lao động của Trung tâm đã luôn thực hiện tốt việc chăm sóc phục vụ nạn nhân, được các cấp, ngành và người nhà nạn nhân ghi nhận, đánh giá cao. Cán bộ Trung tâm đã chủ động vận dụng những sáng kiến, kinh nghiệm, kỹ năng để trợ giúp cho nạn nhân, đồng thời luôn có thái độ ân cần, tận tình, trách nhiệm, phục vụ bằng tình thương yêu…/.

Kim Anh

Tin liên quan

Xem thêm