Thực thi chính sách

Quy hoạch tỉnh, thành phố: Hiện thực hóa khát vọng, tiềm năng phát triển của các địa phương

Quy hoạch tỉnh, thành phố đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Giang Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. 
Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

TTXVN - Được ví như người lính công binh mở đường, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, là cơ hội tạo ra không gian và động lực phát triển mới của đất nước, các vùng và các địa phương.

Tính đến tháng 2/2024,  cả nước có 60/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong; trong đó, có 55/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cố gắng lớn khi các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp mới theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.

*Đổi mới tư duy, cách tiếp cận

Quy hoạch tỉnh, thành phố bao gồm những nội dung quan trọng như: quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "phên dậu" của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước. Tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức như: nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, năng suất lao động thấp; hạ tầng giao thông rất khó khăn...

Xác định được tầm quan trọng của quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội; với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vượt khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023. Quy hoạch tỉnh Hà Giang thể hiện rõ định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. Điều này có ý nghĩa không chỉ giúp Hà Giang bứt phá, phát triển mà Hà Giang còn có sứ mệnh kết nối với các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai. Quy hoạch được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh. Đồng thời, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững. Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh cũng được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển.

Đối với Nghệ An, quy hoạch tỉnh và Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Quy hoạch mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới với 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược, phát triển 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và 6 trung tâm đô thị động lực. Cùng với Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ tạo ra những động lực mới để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định số 1059/QĐ-TTg về việc quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

*Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ

Quy hoạch các tỉnh, thành phố được phê duyệt và công bố rộng rãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, toàn thể nhân dân, doanh nghiệp biết, thống nhất trong nhận thức và hành động. Đây là tiền đề, điều kiện hàng đầu để tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, thành phố một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Với tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển quê hương, mong muốn đưa Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, ngay sau khi công bố Quy hoạch, tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, dự án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Thái Bình cam kết sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra.

Quy hoạch tỉnh, thành phố đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tỉnh cần triển khai ngay việc rà soát các quy hoạch chi tiết gắn kết đô thị - công nghiệp - dịch vụ với các công trình hạ tầng hướng tuyến đang được đầu tư xây dựng (đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, đường giao thông nối Quốc lộ 7C đến đường Hồ Chí Minh, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò).

Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Nghệ An sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng đóng vai trò dẫn dắt thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đặc biệt, Nghệ An cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực đột phá. Các dự án công nghệ đang được đầu tư vào Nghệ An sẽ làm tăng nhanh cầu về lao động có trình độ công nghệ, tay nghề.

Nêu rõ quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc mở ra nhiều cơ hội, triển vọng mới cho sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, tỉnh cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp mà Quy hoạch tỉnh, thành phố đã đề ra, cộng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các địa phương sẽ từng bước hiện thực hóa quy hoạch, tạo những đột phá trong thời kỳ phát triển mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng đây cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm