Quyết liệt xử lý nạn đòi nợ “khủng bố” núp bóng công ty luật, công ty tài chính
Công an Thành phố đã xử lý hình sự hàng loạt đối tượng là nhân viên của các công ty tài chính, công ty tư vấn luật có hành vi đòi nợ thuê bằng các thủ đoạn gọi điện thoại, gửi thông tin, hình ảnh...mang tính khủng bố.
TTXVN- Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng người dân bị các đối tượng tự xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện thoại, gửi thông tin, hình ảnh với nội dung mang tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng xã hội hoặc gửi đến người thân, nơi làm việc, nhằm tạo sức ép, đe dọa về mặt tinh thần, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, buộc phải nộp tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Nhanh chóng vào cuộc, Công an Thành phố đã xử lý hình sự hàng loạt đối tượng là nhân viên của các công ty tài chính, công ty tư vấn luật có hành vi đòi nợ thuê bằng các thủ đoạn trên.
Hàng loạt công ty có nhân viên vi phạm
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16/3, đã khởi tố 14 đối tượng để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến hoạt động thu hồi nợ của Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật Thế hệ trẻ. Đây là vụ án được Ban Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Công an quận Tân Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự và Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an xác minh, làm rõ.
Theo điều tra, hai cơ sở này đã tuyển dụng nhiều nhân viên để thực hiện hoạt động thu hồi nợ với các phương thức, thủ đoạn như phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên theo từng cấp bậc (nhân viên, quản lý, trưởng nhóm); áp đặt chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng “hoa hồng” theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi.
Đối tượng Nguyễn Minh Thành, quản lý Địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng khai công ty chia ra 4 đội (mỗi đội từ 7 - 10 người). Mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện từ 2.500 - 3.000 cuộc gọi khủng bố, hăm dọa với tổng số tiền đòi được từ 2 - 3 tỷ đồng. Với tần suất đòi nợ như trên, mỗi tháng có hơn 100 người phải trả tiền nợ và lãi suất cho nhóm đòi nợ thuê này. Mỗi khi đòi nợ thành công, số tiền mà công ty này được hưởng từ đơn vị “bán nợ” tại Hà Nội lên đến 86%. Như vậy, chủ nợ chỉ nhận được 14%. Chính vì khoản lợi nhuận quá lớn, công ty đã chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân với tần suất và mức độ dày đặc.
Đối tượng Trần Hà Anh Thư, người được xem là "Trưởng Phòng Tín chấp" Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật Thế hệ trẻ khai nếu gọi điện thoại khủng bố đòi nợ nạn nhân và người thân không được, Công ty sẽ gửi văn bản đòi nợ đến tận nhà hoặc nơi nạn nhân làm việc. Những nạn nhân không có tiền, nhân viên công ty sẽ lấy thông tin khách hàng từ ngân hàng, sau đó tiếp tục o ép, đe dọa sẽ khởi kiện ra tòa hoặc khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có khả năng đi tù.
Trước đó ngày 6/3, Công an Thành phố phối hợp Công an quận Gò Vấp và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C02, Bộ Công an) phong tỏa, khám xét trụ sở chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (Công ty F88) tại tòa nhà cho thuê trên đường Nguyễn Oanh, Phường 17, quận Gò Vấp và rất nhiều chi nhánh khác của Công ty này trên đường Trần Quang Khải (Quận 1); đường Đỗ Xuân Hợp, Kha Vạn Cân (thành phố Thủ Đức); đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12); đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú)... Theo nguồn tin riêng, có hơn 20 người là nhân viên của Công ty này bị khởi tố hình sự. Tại cuộc họp ngày 16/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đưa vụ án này vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Tương tự, nhiều nhân viên của Công ty tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mirae Asset và Chi nhánh Công ty luật Trách nhiệm hữu hạn Power Law, Công ty luật Pháp Việt cũng bị khởi tố trước đó. Phương thức hoạt động của các nhóm này dưới vỏ bọc công ty kinh doanh tài chính, văn phòng luật sư, tuyển dụng hàng trăm nhân viên để đòi nợ theo hợp đồng đã ký với các đối tác bằng các thủ đoạn liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối, khủng bố…
Vì sao các đối tượng nắm rõ thông tin cá nhân của người vay
Hành vi đòi nợ với thủ đoạn uy hiếp, đe dọa tinh thần người vay qua mạng và bằng cách gọi điện, về bản chất có liên hệ mật thiết với các hoạt động "tín dụng đen" trên mạng. Thay vì cho vay lãi nặng trực tiếp bằng tiền mặt như trước đây, các băng nhóm "tín dụng đen" trên mạng thường núp bóng danh nghĩa công ty tài chính, công ty công nghệ, công ty tư vấn luật... để hoạt động; sử dụng nhiều app, website để cho vay lãi.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" lợi dụng môi trường mạng để hoạt động nhằm tiếp cận nhiều nạn nhân hơn. Đây cũng là chiêu trò để các đối tượng đối phó, tránh né việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Để đòi nợ, chúng tổ chức mua bán, thu hồi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần người vay và những người thân quen của người này.
Lý giải vì sao các đối tượng đòi nợ trên mạng lại nắm rõ thông tin của người vay lẫn thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp..., đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, khi làm hồ sơ vay trên app, website..., người vay phải điền đầy đủ thông tin về bản thân, cung cấp hình ảnh của mình, thậm chí cả tài khoản mạng xã hội hay các thông tin quan trọng khác. Đặc biệt, khi người vay tải app cho vay thì app sẽ yêu cầu phải cấp quyền truy cập, khai thác trên thiết bị điện tử các thông tin quan trọng gồm: danh bạ, kho ảnh, bộ nhớ, nội dung hoặc dữ liệu khác... Sau đó, nhóm cho vay sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng của người vay. Phần lớn các đối tượng sẽ buộc người vay phải cung cấp chính xác các thông tin trên thì mới được vay.
Như vậy, để được vay tiền, nhiều người đã phải cung cấp những thông tin thuộc bí mật cá nhân cho các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", đồng nghĩa với việc họ đã rơi vào "bẫy liên hoàn", đối mặt với nguy hiểm dài lâu từ nhóm đối tượng cho vay. Những thông tin nhạy cảm của người vay sẽ bị nhóm cho vay khai thác, sử dụng để gây sức ép tinh thần, buộc phải trả nợ hoặc vay thêm để... trả nợ khoản vay trước. Mặt khác, các đối tượng còn liên hệ với thân nhân, người quen của người vay để chào mời cho vay hoặc buộc trả nợ thay. Có khi nhóm cho vay này trao đổi, mua bán với các băng nhóm "tín dụng đen" khác, để đưa người vay vào vòng vay lãi nặng.
Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự và các đơn vị liên quan tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án, nhằm xác định đúng bản chất sự việc, xử lý nghiêm toàn bộ các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Công an Thành phố đề nghị người dân là nạn nhân của các đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản “núp bóng” hoạt động thu hồi nợ, tích cực tố giác tội phạm, hợp tác Cơ quan Công an để xử lý triệt để loại tội phạm này theo đúng quy định của pháp luật./.