Chính phủ hành động

Rà soát những quy định pháp luật là “điểm nghẽn”, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội

Theo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

TTXVN - Chiều 27/4, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương. Trong đó có việc “tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật để rà soát, khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn”.

Mới đây nhất, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với sản xuất kinh doanh và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương (Đề án 06) và đẩy mạnh việc xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được Tổ công tác, bộ, cơ quan thực hiện trong thời gian qua.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận để nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hoạt động năm 2022, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đồng thời thống nhất về cách thức tổ chức thực hiện công việc, bảo đảm tính khoa học, thiết thực và khả thi trong điều kiện khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu; phân công trách nhiệm hợp lý, rõ ràng.

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho biết, công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi. Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn. Kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện đã được kết nối, sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.

Tính đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện và hoàn thành việc xử lý, tham mưu xử lý đối với 174 văn bản; đang khẩn trương nghiên cứu, xử lý, tham mưu xử lý đối với 233 văn bản trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện.

Phân tích những kết quả đạt được năm 2022 của Tổ công tác, các đại biểu chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình hoạt động. Theo đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản trong một số trường hợp vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Việc xử lý kết quả rà soát mặc dù đã được khẩn trương triển khai, nhưng đến nay, vẫn còn số lượng lớn các văn bản chưa hoàn thành việc xử lý (233 văn bản/446 văn bản cần xử lý); xuất phát từ một số nguyên nhân như: Số lượng văn bản cần xử lý lớn, trong khi đó xây dựng, ban hành văn bản là công việc phức tạp; việc xử lý kết quả rà soát cần đặt trong tổng thể quá trình tổng kết, xem xét, đánh giá tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều vấn đề liên quan khác...

Với tiêu chí bám sát các văn bản định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, tập trung rà soát các văn bản hiện là “điểm nghẽn” có tính chất liên ngành, thời sự, là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chưa theo kịp với những chuyển biến, yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội, năm 2023, Tổ công tác dự kiến tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo các nhóm văn bản quy phạm pháp luật gồm: rà soát quy định pháp luật để ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; rà soát quy định pháp luật về thi hành án dân sự...

Tổ công tác tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý đối với vướng mắc cụ thể về pháp lý mà các cơ quan quản lý còn có ý kiến khác nhau trong việc xác định quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc ý kiến khác nhau về phương án xử lý kết quả rà soát văn bản.

Ngoài ra, tổ chức làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật bằng các hình thức phù hợp; trong đó sẽ tập trung rà soát, đánh giá việc xử lý kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021, 2022 nhằm đẩy mạnh việc xử lý kết quả, tăng cường gắn kết công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật./.


Phan Phương

Tin liên quan

Xem thêm