Xã hội

Sắc Xuân ngập tràn vùng biên cương Xứ Lạng

Lạng Sơn

Những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần đang dần qua, không khí Tết ngập tràn muôn nơi, hòa trong nhịp sống của từng người.

Nhân dân Thành phố Lạng Sơn đến với Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng 2023. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Tại tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn, các ngả đường từ thành thị đến nông thôn rực rỡ cờ hoa, người dân hân hoan đón chào mùa Xuân tới với nhiều kỳ vọng.

*Xuân về muôn nơi

Ngày áp Tết, những công viên, tuyến đường ở thành phố Lạng Sơn đều được khoác lên những chiếc áo mới với muôn vàn sắc màu. Nhiều tuyến đường của thành phố Lạng Sơn ngập tràn sắc hoa. Người dân tấp nập ra phố để mua sắm, chọn cho gia đình những cành đào, cây quất, chậu hoa… ưng ý nhất, với mong muốn đón một cái Tết sung túc, đủ đầy.

Chị Phan Thanh Ngọc, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho hay, gia đình đã sắm sửa đầy đủ mọi vật dụng thiết yếu cho dịp Tết. Tết năm nay, dịch bệnh không còn căng thẳng nên nhiều địa điểm mua sắm khá đông đúc, hàng hóa đa dạng hơn so với mọi năm. Hy vọng sẽ là một năm mới may mắn, tốt đẹp hơn cho mọi gia đình.

Đón chờ thời khắc Giao thừa tới, hàng nghìn người dân đã đến đường hoa Xuân Xứ Lạng tại công viên Chi Lăng để ngắm nhìn “sắc màu” ngày Xuân của hàng trăm cây hoa đào lớn nhỏ khác nhau. Năm 2023 là năm thứ 4, Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn thiết kế, trang trí đường hoa với chủ đề “Xuân an vui, Xuân thịnh vượng, Xuân sum vầy” nhằm tạo một điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho Nhân dân và du khách trong dịp Tết đến, Xuân về. Với chiều dài gần 500m, đường hoa Xuân Xứ Lạng được chia làm 5 phân cảnh lớn nhỏ khác nhau, gồm có 25 cụm mô hình và tiểu cảnh và sân khấu để phục vụ hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng.

Anh Trần Anh Tú, du khách tỉnh Sơn La phấn khởi cho hay, đây là lần đầu tiên anh cùng bạn bè đón tết tại Lạng Sơn. Rất ấn tượng khi đến đây được ngắm nhìn nhiều loại hoa đào khác nhau như đào đơn, đào kép, đào chuông, đào phai, đào bích…; ở đường Hoa Xuân Xứ Lạng, các điệu múa, hát dân tộc rất đặc biệt và đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số được biểu diễn. Lượng khách đến thưởng lãm khá đông nhưng đi lại vẫn thuận lợi, mọi người đều vui vẻ chụp hình, chờ màn bắn pháo hoa với hy vọng có những tấm ảnh đẹp, những kỷ niệm đáng nhớ trong năm mới.

Khác với không khí nhộn nhịp, ồn ào vùng đô thị là cuộc sống giản dị, ấm cúng của vùng nông thôn biên giới. Ở nơi địa đầu của Tổ quốc ấy, các chiến sĩ biên phòng vẫn chắc tay súng bảo vệ biên cương, duy trì đảm bảo quân số tại các đường mòn lối tắt, ngăn chặn các loại tội phạm ra vào biên giới, để người dân được đón Tết bình yên. Việc đón Xuân tại đơn vị giờ đây đã trở thành thói quen của những người lính biên phòng; nơi đó không chỉ có bánh kẹo, hoa quả mà còn có cả tình cảm dạt dào của đồng chí, đồng bào nơi đóng quân.

Trung tá Trịnh Quang Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã triển khai các kế hoạch của cấp trên, thực hiện tốt các chính sách chăm lo Tết đối với cán bộ, chiến sĩ… Tết đến, đơn vị đã chia ca trực 24/24 giờ, đảm bảo quân số sẵn sàng với mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.

Với mong muốn những hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ăn Tết đủ đầy hơn, chính quyền các cấp tỉnh Lạng Sơn đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng chương trình, tổ chức thăm, chúc Tết, tặng quà các cơ quan, đơn vị và gia đình chính sách, người có công; hàng nghìn suất quà Tết cũng đã đến tay các hộ gia đình nghèo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương.

Chị Triệu Thị Hằng, xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, trước Tết, gia đình được hỗ trợ, nhận quà Tết từ các cấp, ngành. Các phần quà Tết được chuẩn bị chu đáo, thiết thực gồm các nhu yếu phẩm, tôi còn được tham gia các hoạt động thiết thực chào đón Xuân nên rất vui mừng, phấn khởi.

Không gian hoa đào với nhiều giống đào khác nhau như: đào bích, đào phai, đào bạch… tại Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng 2023. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

*Những kỳ vọng mới

Năm 2022 là năm thứ hai Lạng Sơn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh Lạng Sơn bước vào triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có một số thuận lợi cơ bản; đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế-xã hội năm 2022 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7,22%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.909 tỷ đồng (đạt 100,76% dự toán); thành lập mới 490 doanh nghiệp; doanh thu từ du lịch ước đạt 2.100 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD; tạo việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động; Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai thành công cửa khẩu số, nền tảng “Lạng Sơn Cloud”, App “Công dân số Xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh; xếp thứ 2 toàn quốc về số sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, thứ 4 toàn quốc về giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử Việt Nam…

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, với phương châm hành động năm 2023 là “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”, Lạng Sơn đặt mục tiêu tổng quát trong năm đó là tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với kinh tế số, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời tiếp tục phát triển toàn diện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân…

Cụ thể, Lạng Sơn phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 7-7,5%; lượng khách du lịch đạt 3,7 triệu lượt, doanh thu 2.850 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng 8 - 9%; tổng thu ngân sách nhà nước 8.200 tỷ đồng; xây dựng thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phát triển thêm 15 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 3%.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, để đạt được những mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh và tập trung hoàn thiện, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt, Lạng Sơn tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, triển khai linh hoạt, đảm bảo giữa phòng, chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics để phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…/.

Nguyễn Quang Duy

Xem thêm