Càng cận Tết, nhu cầu khách càng cao, xóm bánh tét ở ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh lại đỏ lửa suốt đêm, tăng tần suất làm bánh phục vụ khách hàng.
TTXVN - Mỗi dịp Tết đến, xóm bánh tét ở ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh lại đỏ lửa suốt đêm để kịp xuất đi những mẻ bánh mới cho khách hàng. Từng cặp bánh tét được vớt ra trong thời tiết se lạnh, bốc khói nghi ngút, thơm lừng thực sự là một trải nghiệm văn hóa đặc biệt khi đất trời đang rạo rực vào Xuân.
Bánh chưng, bánh tét là những loại bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt, gói bằng lá dong hoặc lá chuối, vốn không thể thiếu trên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong dịp Tết ở mỗi gia đình người Việt. Nếu như miền Bắc có bánh chưng vuông, miền Nam thường gói bánh tét, hình trụ dài như cái đòn. Ngoài nhân đậu xanh, thịt, bánh tét miền Nam còn có thêm nhiều loại nhân như: trứng muối, hạt điều, chuối… và được thêm nhiều loại gia vị tùy theo khẩu vị của người dùng.
Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, đến xóm bánh tét Nhị Bình, đâu đâu cũng thấy từng cụm khói bốc lên mờ ảo như sương trên nền lửa đỏ bập bùng từ những nồi bánh tét. Nhiều gia đình làm bánh đặt nồi nấu bánh ngay bờ kênh, tạo thành khung cảnh đặc trưng nơi đây.
Lò bánh tét của gia đình bà Nguyễn Thị Ích ( 82 tuổi) lâu đời nhất trong xóm. Bà đang làm sạch những miếng lá chuối để gói bánh, con cháu quây quần xung quanh, mỗi người một công đoạn. Bà Ích chia sẻ: Bà làm nghề bánh tét đã tròn 40 năm để mưu sinh. Bà có 8 người con, hiện 4 người theo nghề. "Gần Tết, các con, các cháu quây quần làm bánh đông vui lắm, bà Ích cười nói.
Là con út của bà Ích, anh Nguyễn Minh Trị (44 tuổi) nối nghiệp mẹ, hiện là chủ lò bánh tét bà Ích. Theo anh Trị, muốn bánh ngon và để được lâu phải qua các khâu như: Chọn mua gạo nếp loại ngon, đậu xanh hạt to và đều, lá gói là lá chuối xiêm. Khi gói, bánh phải được cuộn đều tay, nếu gói lỏng, bánh nhão, còn gói chặt tay, bánh bị sống. Đặc biệt, thịt, đậu xanh nấu lên xong phải để ấm, gói ngay mới đảm bảo độ tươi ngon của thịt, đậu. Bánh tét gói xong nấu bằng lò củi liên tục khoảng 6 - 7 giờ. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra, thả vào lu nước lạnh, sau 20 phút sẽ vớt ra để ráo. Như vậy, bánh sẽ dẻo thơm, hương vị đậm đà, bảo quản được khoảng 4 - 5 ngày.
Bánh tét Nhị Bình có ba loại nhân, khách hàng có thể chọn lựa tùy theo nhu cầu. Bánh tét truyền thống nhân đậu xanh, thịt mỡ; bánh tét nhân đậu xanh, thịt ba chỉ; bánh tét đặc biệt nhân thập cẩm gồm đậu xanh, thịt ba chỉ, trứng muối, hạt điều. Dịp Tết, giá khoảng 100 nghìn đồng/đòn bánh đặc biệt, loại bình thường giá khoảng 60 nghìn đồng/đòn.
Anh Trị chia sẻ, từ 6 giờ, cả nhà con, cháu, dâu, rể bà Ích đều xúm vào cùng làm bánh tét. Người rửa và xếp lá, gói bánh, người vo gạo, chuẩn bị nhân các loại, người gói bánh… Anh Trị vừa gói bánh, vừa cùng lúc trông ba nồi bánh. Khi luộc, bếp liên tục đượm lửa, đúng thời điểm vớt bánh ngay. Công việc làm bánh chỉ tạm ngưng lúc 21 giờ, mọi người vẫn phải thay phiên nhau túc trực làm các công đoạn khác. Bình quân, dịp Tết, lò bánh tét bà Ích làm khoảng 400 đòn bánh/ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Xóm bánh tét Nhị Bình cung cấp bánh quanh năm cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Tuy nhiên, vào ngày Tết, từ đầu tháng Chạp, xóm bánh tét bắt đầu vào vụ Tết. Từ rằm (15 tháng Chạp), cả xóm nhộn nhịp, tất bật hơn vì đơn hàng ngày càng nhiều.
Càng cận Tết, nhu cầu khách càng cao, các lò bánh tét trong xóm đều tăng tần suất làm bánh. Các lò bánh tạm ngưng vào chiều 30 Tết và tiếp tục đỏ lửa trở lại từ mùng 1 đến mùng 4 Tết để đáp ứng nhu cầu cúng lễ của nhiều khách hàng.
Tương truyền, mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789, vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh. Trong lúc nghỉ ngơi, ăn Tết, có một người lính mang một món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay, dâng lên mời vua Quang Trung. Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng, nhưng khi ăn bánh này lại không thấy đau nữa.
Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua Quang Trung bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết. Lâu ngày, bánh Tết đọc trại thành bánh Tét nên người dân gọi là bánh tét như bây giờ./.