Rượu cần được người dân tộc thiểu số Tây Nguyên sử dụng quanh năm. Dịp cuối năm, bà con sẽ làm nhiều hơn để phục vụ các nghi lễ cúng thần linh, lúa mới, mừng năm mới...
(TTXVN) Có dịp đến với đại ngàn Tây Nguyên, du khách bị cuốn hút bởi nét văn hóa đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Cùng với đó, họ còn có cơ hội thưởng thức hương vị rượu cần - thức uống không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào dân tộc. Rượu cần nồng nhưng ngọt, hòa quyện rất nhiều hương vị cây trái của núi rừng nơi đây, cho người uống cảm giác lâng lâng, chuếnh choáng say đắm tình người.
Sau mùa gặt, người bản địa Tây Nguyên thường chuẩn bị một số đặc sản cho các nghi lễ chào mừng năm mới như: thịt gác bếp, gạo nếp mới, gà, heo và đặc biệt là rượu cần. Rượu cần được người dân tộc thiểu số Tây Nguyên sử dụng quanh năm. Tuy nhiên, dịp cuối năm, bà con sẽ làm nhiều hơn để phục vụ các nghi lễ cúng thần linh, lúa mới, mừng năm mới...
Công tác chuẩn bị nguyên liệu thường do người phụ nữ đảm nhiệm. Men ủ rượu cần Tây Nguyên cũng khác lạ. Người làm rượu phải lên núi hái các loài cây, lá, rễ của thảo mộc để làm men lá. Các loại thảo mộc được phơi khô, giã nhuyễn rồi trộn đều với nước, vo thành từng bánh để dậy men trong 10 ngày. Trong men lá còn trộn thêm ớt, gừng, riềng, mía... nên mùi vị rất ấm nồng.
Bà Đinh Thị Ponh (làng K'giang, xã Kong Lơng Khơng, huyện K'bang) cho biết, khu vực Đông Gia Lai có loại hạt Cào - một loại lương thực gần giống hạt bo bo hay lúa để nấu rượu. Loại hạt này sẽ cho ra hương vị rượu cần rất đặc biệt bởi vị ngọt đậm, dễ uống, khó say. Hạt Cào được hái, phơi khô, sàng sảy rồi cho vào cối; sau đó dùng chày giã thủ công để tách nhân như lúa gạo. Cào được rửa sạch để ráo nước, rồi bắc lên bếp nấu chín như nấu cơm. Nếu Cào không đủ, bà con sẽ nấu cơm rượu pha cùng bắp hay gạo rẫy.
Cào chín sẽ được hong ra nia một buổi cho nguội, sau đó sẽ được trộn đều với men lá. Các nguyên liệu sẽ được ủ lại trên nia hai đêm một ngày. Tiếp theo là công đoạn chỉnh chu nhất, đó là cho nguyên liệu vào ghè để ủ. Trước đó, ghè phải được rửa sạch, hong khô. Sau cùng, các ghè rượu được phủ lại bằng một lớp lá chuối đã được hơ dẻo trên bếp than, phủ một lớp ni-lông, buộc thật chặt để tránh gió và côn trùng xâm nhập.
Các ghè rượu được đặt ở góc nhà, nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nơi ẩm thấp. Sau 1-2 tháng là có thể lấy ra dùng. Rượu cần Tây Nguyên để càng lâu sẽ càng ngon.
Già làng Đinh A Nghinh (làng K'giang) cho rằng, ngoài để dâng cúng cho thần linh, rượu cần còn biểu hiện cho tính cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Khi uống, cả tập thể cùng dùng chung một ghè rượu.
Mỗi độ Tết đến, Xuân về, rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các các nghi lễ cúng mừng năm mới. Rượu cần còn được xem như linh hồn của các lễ hội tại Tây Nguyên, không có thức uống nào thay thế được.
Khi tách ghè rượu ra uống, người dân nơi đây thường bỏ vào phía trên miệng ghè rượu một ít lá như lá chuối, lá tre ngăn không cho cặn hoặc xác nguyên liệu nổi lên mặt nước và lấy 3- 4 thanh tre mỏng đè lên trên để cho lá chìm xuống dưới mặt nước.
Người Tây Nguyên uống rượu bằng cần làm từ trúc, nứa, lồ ô nhỏ đục lỗ xuyên suốt, rồi uốn cong thành cần cắm vào ghè rượu. Vì vậy, rượu này được gọi là rượu cần.
Uống loại rượu đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, du khách sẽ cảm nhận được tình cảm của người dân địa phương, của vùng đất đỏ bazan hiếu khách. Trong khung cảnh hữu tình, hòa mình vào điệu nhảy Xoang xung quanh đống lửa cùng âm vang cồng chiêng của núi rừng đại ngàn, du khách sẽ muốn lưu lại nơi này lâu hơn./.
- Từ khóa:
- Rượu cần
- men lá
- Tây Nguyên
- Gia Lai