Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
Triển lãm ảnh với chủ đề "55 năm lịch sử khắc ghi - Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" diễn ra tại 3 địa điểm gồm Công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi và Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).
(TTXVN) Ngày 4/1, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề "55 năm lịch sử khắc ghi - Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968".
Tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện lịch sử có tầm vóc lớn lao, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Dù chưa đạt được mục tiêu cao nhất đặt ra, song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 thực sự là “đòn sấm sét” làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ và thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, buộc Chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tấn công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo ông Trần Thế Thuận, 55 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang vọng, là minh chứng cho truyền thống đấu tranh cách mạng, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố. Trong đó, Sài Gòn – Gia Định đã được tiếp nối, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới; phát triển công nghiệp trở thành vùng động lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường mối quan hệ hữu nghị với các nước và địa phương; phát triển y tế, thể dục – thể thao, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, để thành phố mang tên Bác xứng danh "Đất thép - Thành đồng", "Niềm tin yêu và tự hào của cả nước".
Triển lãm diễn ra tại 3 địa điểm gồm Công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi và Hội trường Thống Nhất.
Theo đó, tại Công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi (khu vực phía trước Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường Thống Nhất, Ban Tổ chức trưng bày ở mỗi điểm 80 hình ảnh với chủ đề "Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Lịch sử khắc ghi". Triển lãm thể hiện khí thế chiến đấu của quân và dân ta từ Chiến dịch giải phóng Nậm Bạc (Thượng Lào) đến những cuộc tiến công diễn ra ở rộng khắp miền Trung và miền Nam trong những ngày Tổng tiến công mùa Xuân 1968. Cùng với đó còn là sự động viên sức người, sức của hậu phương lớn miền Bắc nhằm chi viện cho chiến trường lớn miền Nam vì mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Tại đường Đồng Khởi (khu vực đối diện Công viên Chi Lăng), Ban Tổ chức cũng trưng bày 50 hình ảnh với chủ đề "Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968". Những hình ảnh gợi nhớ về mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ biệt động, mỗi địa danh lịch sử - đó đều là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, làm nên "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ".
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 15/1./.