Xã hội

Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”

Kiên Giang

Sống với tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo” của sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer Kiên Giang, không chỉ thể hiện tinh thần tu hành tinh tấn mà còn gắn kết giữa “Đạo và Đời” trong đời sống cộng đồng.

Các ngôi chùa được sơn sửa, xây mới trên địa bàn huyện Châu Thành.
Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Kiên Giang có hơn 230.450 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 13,18% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 76 ngôi chùa Phật giáo Nam tông hoạt động tôn giáo theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và sư sãi, đồng bào Phật tử Khmer sống với tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”.

Sống với tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo” của sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer Kiên Giang, không chỉ thể hiện tinh thần tu hành tinh tấn mà còn gắn kết giữa “Đạo và Đời” trong đời sống cộng đồng. Các vị sư sãi ở các chùa hướng dẫn Phật tử tu tập theo giáo lý nhà Phật, vận động bà con tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc. Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là trong hoạt động tín ngưỡng truyền thống, với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang chia sẻ, Hội tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo tham gia giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; cử các vị trụ trì, Achar, Ban quản trị các chùa tham dự lớp phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc do Sở Dân tộc và Tôn giáo Kiên Giang tổ chức. Trong các buổi lễ truyền thống, các vị sư sãi đều phổ biến những chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo để người Phật tử tiếp thu thông qua thuyết pháp, giảng đạo. Qua đó, ý thức của sư sãi và Phật tử Khmer nâng lên, các vị yên tâm tu học và hành đạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh.

Điều đặc biệt trên tinh thần hộ quốc, an dân, “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, các chùa trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào an sinh xã hội, gây quỹ vì người nghèo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy Ban MTTT Việt Nam các cấp phát động, kêu gọi chung sức, chung lòng chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo khó khăn. Ông Danh Phúc, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Kiên Giang cho hay, công tác từ thiện xã hội được các chùa, sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer hưởng ứng tích cực. Các phong trào nhân đạo từ thiện do Mặt trận và các đoàn thể phát động đều tham gia với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Giúp người đồng nghĩa với giúp chính mình”… với tâm nguyện làm vơi bớt đi nỗi khó khăn của người nghèo khó.

Theo Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các chùa Phật giáo Nam tông trong tỉnh đã vận động những nhà hảo tâm và Phật tử thập phương làm công tác từ thiện như: Cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, bắc cầu, làm đường giao thông, khoan giếng nước, tặng đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, tặng học bổng cho tăng sinh và học sinh khó khăn, phát quà cho người nghèo nhân ngày lễ, tết, nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa, hốt thuốc nam trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Điển hình như Hòa thượng Lý Long Công Danh, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang với việc “Xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, góp phần vào công tác an sinh xã hội”.

Với vai trò là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc huyện Gò Quao, nhận thấy trên địa bàn huyện còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giao thông nông thôn còn nhiều cây cầu bắc bằng gỗ tạm, ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân, hòa thượng Công Danh, trên tinh thần từ bi của đạo Phật thể hiện trách nhiệm đối với đồng bào Phật tử, người nghèo khó. Hòa thượng Công Danh đã vận động nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh cũng như phối hợp với các tổ chức từ thiện tích cực tham gia vào công tác từ thiện, an sinh xã hội, với tâm nguyện giảm đi phần nào khó khăn cho người dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Hòa thượng Lý Long Công Danh cho biết: “Năm 2024, chúng tôi đã vận động xây dựng 12 cầu giao thông nông thôn tại những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Gò Quao; xây dựng hơn 10 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; vận động cứu trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn gặp thiên tai, hỗ trợ con em hộ nghèo hiếu học như: Tiền, gạo, mì gói, nước tương, quần áo, tập viết, xe đạp… tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Cạnh đó, vận động các tổ chức từ thiện nhân đạo, nhóm y, bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh và duy trì tổ chức hốt thuốc nam tại chùa, khám điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng".

“Đây là việc làm mang ý nghĩa thiết thực, đúng theo tôn chỉ của Giáo hội, đồng thời, cùng với chính quyền tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào từ thiện nhân đạo được các cấp, các ngành phát động; đồng thời, vừa góp phần xây dựng quê hương, vừa chia sẻ, giúp người khó khăn vượt qua nghịch cảnh với tinh thần “Ích đời - lợi đạo”, Hòa thượng Lý Long Công Danh chia sẻ.

Phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo” của sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer Kiên Giang có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống cộng đồng, là kim chỉ nam trong đời sống tâm linh, là nền tảng để xây dựng xã hội đoàn kết, phát triển. Qua đó, gắn kết đạo và đời, giúp đồng bào Phật tử Khmer giữ vững niềm tin tôn giáo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nêu cao sự hòa hợp giữa các dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc, xây dựng cộng đồng vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, góp phần vào chiến lược xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

 

Lê Huy Hải

Tin liên quan

Xem thêm