Hơn 800 bức ảnh tư liệu và 1.456 câu thơ lục bát ca ngợi Bác Hồ nơi đây đều do một tay cụ Trần Văn Cao sưu tầm, sáng tác và lưu giữ suốt gần 20 năm qua
Không biển hiệu, không ồn ào nhưng ngôi nhà nhỏ nơi xóm Thọ Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn đều đặn đón khách trong những ngày tháng 5 đầy ý nghĩa – kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác. Tại đây, cụ Trần Văn Cao, một người dân bình dị đã dành gần 20 năm sưu tầm, gìn giữ hình ảnh và ký ức về Bác Hồ qua hơn 800 bức ảnh và hàng nghìn câu thơ lục bát chứa chan tình cảm.
* Lần được gặp Bác đã theo tôi suốt cuộc đời
Ở tuổi 90 nhưng cụ Trần Văn Cao vẫn còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn khi giới thiệu với khách bộ sưu tập ảnh, thơ được đóng khung, sắp đặt ngay ngắn theo chủ đề kín hai gian phòng nhỏ mà cụ thường gọi bằng cái tên giản dị: Phòng lưu niệm Bác Hồ. Ít ai ngờ, hơn 800 bức ảnh tư liệu và 1.456 câu thơ lục bát ca ngợi Bác Hồ nơi đây đều do một tay cụ sưu tầm, sáng tác và lưu giữ suốt gần 20 năm qua. Tất cả bắt đầu từ một lần được gặp Bác hơn 60 năm trước.
Năm 1963, khi mới 28 tuổi, chàng thanh niên Trần Văn Cao lúc đó đang là thực tập sinh trường Trung cấp Thủy Lợi đã may mắn được gặp Bác Hồ nhân một lần Người về thăm Khu gang thép Thái Nguyên, sau đó Bác lên thị xã Thái Nguyên. Dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi được nghe Bác nói chuyện, động viên thanh niên phải học tập, lao động giỏi để sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đất nước… nhưng hình ảnh ấy, giọng nói ấy, ánh mắt chan chứa tình thương yêu ấy đã in đậm vào tâm trí cụ Trần Văn Cao mãi mãi.
“Lần được gặp Bác đã theo tôi suốt cuộc đời, là niềm tự hào thôi thúc tôi phải xây dựng một kho tư liệu bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc”, cụ Trần Văn Cao xúc động kể lại.
Cuộc gặp ấy đã âm thầm dẫn dắt cả cuộc đời cụ Trần Văn Cao đi theo một lý tưởng: ghi nhớ, học tập và lan tỏa những giá trị Bác Hồ để lại. Những năm tháng sau đó, dù bận rộn công việc, gia đình, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng cụ Trần Văn Cao vẫn âm thầm tìm đọc sách báo, ghi chép tư liệu, cắt dán hình ảnh, học làm thơ…để thỏa lòng kính yêu Bác.
Đến năm 72 tuổi, cụ Trần Văn Cao chính thức xây dựng bộ sưu tập ảnh về Bác Hồ, nguồn tư liệu chính là 21 bức ảnh Bác Hồ mà cụ được tặng khi đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Thủy Lợi năm 1968.
“Để có được bộ sưu tập ảnh, tư liệu về Bác Hồ, tôi đi bất cứ nơi nào cũng để ý tìm hiểu, xin ảnh Bác. Rồi mang về chắt lọc, đóng thành khung trang trọng. Mỗi tấm ảnh là một mảnh ghép giúp câu chuyện về Bác được kể một cách trọn vẹn”, cụ Trần Văn Cao chia sẻ.
Cuối năm 2019, cụ Trần Văn Cao quyết định mở Phòng lưu niệm Bác Hồ tại tầng 3 của nhà mình, không biển hiệu, không khẩu hiệu to lớn, căn phòng vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự tỉ mỉ, trân trọng trong từng chi tiết.
Trong gian phòng lưu niệm, ảnh Bác được lồng khung cẩn thận, phân chia theo các giai đoạn lịch sử; ở chính giữa là bài thơ lục bát 1.456 câu do chính cụ sáng tác về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, toàn bộ hơn 800 bức ảnh được sưu tầm từ sách, báo, tài liệu chính thống qua nhiều thời kỳ, trong đó nhiều bức đã nhuốm màu thời gian. Mỗi tấm hình đều gắn với một mốc sự kiện, có chú thích rõ ràng như: Bức ảnh con tàu sang Pháp mà Nguyễn Tất Thành đã lên và ra đi tìm đường cứu nước; bức ảnh anh Ba Nguyễn Ái Quốc đã sang đến Nga năm 1923 hay bức ảnh Bác đọc Tuyên ngôn độc lập…
Cụ Cao chia sẻ: “Nhiều lúc gia đình khó khăn không đủ tiền in một tấm ảnh nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng phòng lưu niệm về Bác để lưu giữ tình cảm. Mỗi vần thơ tôi viết đều xuất phát từ rung động thật, bất cứ lúc nào khi ở nhà, làm việc hay đi trên đường tôi đều có thể sáng tác những vần thơ về Bác”. Hiện, cụ đã có bài thơ lục bát 1.456 câu được viết trong gần 10 năm, tất cả đều xoay quanh hình ảnh và đạo đức Hồ Chí Minh, mở đầu bài thơ là:
"Thanh cao lý tưởng Bác Hồ
Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam
Lời nói cũng như việc làm
Con người phúc hậu dân càng mến thương
Tài năng đức độ phi thường
Giúp dân cứu nước trong ngoài vững tin".
* Lan tỏa hình ảnh, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữa đời thường
Đã có gần trăm lượt học sinh, đoàn thể, cựu chiến binh, người dân quanh vùng tìm đến Phòng lưu niệm. Cụ Trần Văn Cao thường đón tiếp, giới thiệu từng bức ảnh, kể lại hoàn cảnh sáng tác từng bài thơ, truyền cảm hứng học và làm theo Bác bằng những câu chuyện mộc mạc nhưng đầy lay động.
Nhiều người sau khi đến thăm phòng lưu niệm Bác Hồ của gia đình cụ Trần Văn Cao đã ghi lại dòng cảm tưởng: “Những hình ảnh và tư liệu về Bác Hồ được cụ Cao sưu tầm rất đẹp và ý nghĩa. Không gian tuy nhỏ, nhưng bài học đạo đức, lịch sử và tình cảm ở đó thì rộng lớn vô cùng”.
Điều đặc biệt nhất nơi cụ Cao không phải số lượng ảnh, thơ, mà là tình yêu Bác Hồ được chuyển hóa thành hành động bền bỉ, nhất quán suốt hơn nửa thế kỷ. Cụ không phải đảng viên, không giữ chức vụ gì lớn, không có điều kiện vật chất dư dả nhưng chính từ hoàn cảnh đó, sự cống hiến thầm lặng của cụ càng trở nên đáng trân quý.
Hiện nay tuổi đã cao nhưng hàng ngày cụ Cao vẫn chăm chút cho phòng lưu niệm Bác Hồ trên tầng 3 của gia đình. Hễ có khách đến thăm là cụ lại mở cửa, đón tiếp như người thân, kể chuyện Bác với niềm xúc động nguyên vẹn như thuở nào.
Ông Đặng Văn Khải, Bí thư Đảng bộ xã Đại Yên đánh giá, phòng lưu niệm Bác Hồ của gia đình cụ Trần Văn Cao đã góp phần quan trọng giáo dục chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ. Cụ Cao là một tấm gương tiêu biểu cho việc học tập và làm theo Bác. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Cao đã làm được việc hết sức ý nghĩa cần được lan tỏa, nhân rộng.
Xuất phát từ việc làm tôn kính Bác Hồ, cụ Trần Văn Cao đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; danh hiệu“ Người tốt, việc tốt” của UBND thành phố Hà Nội; Kỷ niệm chương của Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Trần Văn Cao vẫn canh cánh một điều: Sau này khi mình khuất núi, ai sẽ tiếp nối chăm sóc Phòng lưu niệm này. Cụ Cao mong muốn có một tổ chức nào đó sẽ cùng gia đình cụ tiếp quản, nâng cấp, gìn giữ phòng lưu niệm như một minh chứng cho tấm lòng yêu kính Bác.
Phòng lưu niệm đặc biệt tại căn nhà nhỏ của cụ Trần Văn Cao không chỉ là nơi lưu giữ ký ức về Bác Hồ, còn là minh chứng sống động cho tình cảm sâu nặng của người dân với vị lãnh tụ kính yêu. Với tâm huyết, nỗ lực bền bỉ và tấm lòng son sắt, cụ Trần Văn Cao đã góp phần lan tỏa hình ảnh, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đến các thế hệ, trở thành một tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác giữa đời thường./.