Xã hội

Tăng cường vai trò của Công đoàn trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể và cá nhân

Bà Rịa-Vũng Tàu

Trước các vụ việc trên, với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các vụ tranh chấp đều được giải quyết nhanh chóng, bảo đảm an ninh trật tự.

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân trên địa bàn tỉnh”. 
Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN

Ngày 22/10, tại thành phố Bà Rịa, Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ổ chức tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân trên địa bàn tỉnh”. Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì buổi tọa đàm.

Trong những năm qua, lực lượng lao động tại Bà Rịa-Vũng Tàu không ngừng phát triển. Quan hệ lao động cũng theo đó không ngừng chuyển biến đa dạng. Từ năm 2019-2024, Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 15 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể với 3.541 lượt công nhân tham gia. Riêng 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể với 1.150 lượt công nhân tham gia. Các vụ tranh chấp lao động và ngừng việc xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 87,5%.

Tại tọa đàm, đa số các đại biểu cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật lao động cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia lao động, các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định về chế độ tiền lương, thưởng; hướng dẫn người lao động biết và thực hiện các quyền của mình khi bị xâm hại, như việc khiếu nại, phản ánh đúng nơi, đúng nội dung.

Theo ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nguyên nhân các vụ tranh chấp chủ yếu liên quan đến quyền của người lao động. Điển hình như chậm hoặc nợ không chi trả tiền lương, tiền thưởng đầy đủ; định mức lao động thay đổi tăng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi không phù hợp, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động…

Trước các vụ việc trên, với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các vụ tranh chấp đều được giải quyết nhanh chóng, bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình giải quyết các tranh chấp lao động vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thử thách.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc phối hợp giữa Công đoàn các Khu công nghiệp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chính quyền địa phương khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng dẫn tới thiếu hiệu quả. Thông tin khi xảy ra các vụ tranh chấp không được cung cấp, chia sẻ kịp thời.

Là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động, bà Phạm Thị Tùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Phú Mỹ thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện quy chế dân chủ tại công đoàn cơ sở cần được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Dẫn chứng thực tế, bà Phạm Thị Tùng cho biết, nhiều doanh nghiệp có xây dựng và ban hành quy chế dân chủ theo quy định mới. Tuy nhiên, ít có sự đầu tư, nghiên cứu, nội dung không có thay đổi so với thực tế tại đơn vị mà chủ yếu sao chép. Một số doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ nhưng hiệu quả chưa cao…

Ngoài ra, các ý kiến cũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan liên quan để nhanh chóng phát hiện vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật lao động; chia sẻ thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật lao động giữa các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả…

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất với các giải pháp mà các đại biểu đã chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ông Hòa cho rằng, để tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động thì vai trò của các cấp công đoàn cần phải được chú trọng hơn nữa. Các cấp công đoàn cần chú trọng công tác nắm thông tin, dự báo tình hình, diễn biến tranh chấp lao động đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết tranh chấp lao động phát sinh; có biện pháp giải quyết các vấn đề về tiền lương, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật cho người lao động.

Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các ban chuyên đề và các Công đoàn cấp trên cơ sở xem xét tiếp thu, triển khai các nội dung phù hợp cũng như tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng./.

Huỳnh Sơn

Xem thêm