HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Kỳ họp thứ 22 để xem xét, quyết nghị những vấn đề quan trọng của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; HĐND tỉnh Kiên Giang kiện toàn một số chức danh cán bộ và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ngày 22/10, Hội đồng nhân dân hai tỉnh Kiên Giang, Bắc Ninh tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.
* Kiên Giang kiện toàn nhân sự lãnh đạo
Tại Kỳ họp thứ 27 của HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, trên cơ sở xem xét các hồ sơ dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã xem xét, bỏ phiếu và quyết nghị với sự thống nhất cao miễn nhiệm và bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. HĐND tỉnh thực hiện công tác cán bộ nhằm kiện toàn một số chức danh cán bộ của tỉnh và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, HĐND tỉnh Kiên Giang đã xem xét, quyết nghị miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Lưu Trung, do được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Tiên nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, HĐND tỉnh miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Minh Thể, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, do được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
HĐND tỉnh Kiên Giang đã bầu và quyết nghị ông Lê Trung Hồ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Lê Trung Hồ, sinh năm 1983, quê quán xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang); trình độ: Thạc sĩ xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Đại học Luật, Cao cấp Chính trị.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Bùi Phước Châu được bầu làm Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
* HĐND tỉnh Bắc Ninh thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội
Cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 22 để xem xét, quyết nghị những vấn đề quan trọng, cấp thiết của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
HĐND tỉnh Bắc Ninh thảo luận các báo cáo, tờ trình và xem xét các nội dung, biểu quyết thông qua 16 nghị quyết. Cụ thể là Nghị quyết thông qua chủ trương hỗ trợ kinh phí chi trả hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên hành chính thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025 với tổng số tiền 215,3 tỷ đồng. HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng thông qua các nghị quyết: Quy định số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 (lần 7); Việc chuyển vốn đầu tư công năm 2024; Phương án cân đối ngân sách địa phương phần vốn tăng thêm của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội…
Phát biểu bế mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức, triển khai nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024.
Đồng thời, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2024 để có các biện pháp chỉ đạo thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất. Các cấp, ngành đôn đốc các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, phối hợp đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn và linh hoạt trong việc điều hành nguồn vốn đầu tư công, không để kết dư, lãng phí nguồn lực./.