Ban Tổ chức chương trình gặp mặt đã nhận được 97 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các xã, phường, thị trấn với Thường trực Tỉnh ủy.
TTXVN - Ngày 4/8, tại thành phố Vinh, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023, với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”. Đây là lần thứ 2, tính từ năm 2018 đến nay, tỉnh tổ chức cuộc gặp mặt, đối thoại quan trọng này.
Tham dự có đại diện Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, cùng 1.121 đại biểu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND của 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
* Nhiều vấn đề đặt ra
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, cuộc gặp mặt, đối thoại lần này nhằm hướng đến mục tiêu thống nhất về nhận thức, quan điểm; nâng cao vai trò của cấp ủy đảng đối với việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Ban Tổ chức chương trình đã nhận được 97 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các xã, phường, thị trấn với Thường trực Tỉnh ủy trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra, buổi gặp mặt, đối thoại còn có thêm nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp.
Đây là những trăn trở, băn khoăn và tâm huyết mà các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trước những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cần được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy.
Ông Lê Khánh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu) nêu câu hỏi, hiện nay nghề sản xuất muối của nhân dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá muối thấp, đầu ra tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất đạt thấp; đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ thu mua, tiêu thụ và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề sản xuất muối trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng (huyện Thanh Chương) Phan Văn Dũng cho rằng, tỉnh có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, chính sách này bộc lộ một số khó khăn như xi măng thường cung cấp chậm, nhiều nơi nhân dân dùng xi măng để hoán đổi sang bê tông tươi. Nhiều nơi không nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao, nhưng nhân dân vẫn mong muốn được hỗ trợ xi năng để làm công trình giao thông, thủy lợi. Vì vậy, chính sách hỗ trợ xi măng nên áp dụng linh hoạt, có thể nhận bằng tiền và những xã không nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới vẫn được hỗ trợ để phát huy nội lực của nhân dân.
Theo ông Lê Anh Nga, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu), hiện nay công tác cán bộ ở xã gặp nhiều khó khăn do đang dôi dư cán bộ, công chức xã. Người hoạt động không chuyên trách không thể phấn đấu để trở thành cán bộ chuyên trách, công chức, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, sự phấn đấu. Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách còn nhiều bất cập, không thu hút được người có trình độ, năng lực, nhiệt tình vào làm việc, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ kế cận của địa phương, đề nghị tỉnh quan tâm xem xét nội dung trên.
Bà Trần Thị Nga, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp) đề nghị tăng kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, mức phân bổ 16 triệu đồng/năm/đoàn thể là quá thấp, không thể đáp ứng các phong trào hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên) Lê Viết Hùng cho rằng, tỉnh đã có Đề án về việc thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ đi cơ sở, trong đó đề cập đến chế độ, chính sách từ chế độ công tác phí, nhà công vụ… Nhưng số cán bộ thuộc khối Đảng được luân chuyển, điều động về cơ sở lại bị cắt giảm thu nhập (phụ cấp công tác Đảng không còn, qua nắm bắt trên địa bàn tỉnh, người bị giảm ít nhất cũng hơn 1,5 triệu đồng/tháng).
Ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng (huyện Nghi Lộc) nêu ý kiến: Các xã nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam, diện tích đất bị thu hồi thực hiện các dự án nhiều, không có quỹ đất để đấu giá đất ở, ảnh hưởng đến nguồn thu xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đề nghị tỉnh có chính sách mạnh để hỗ trợ các xã đặc thù này.
* Tháo gỡ để phát triển
Tại cuộc gặp mặt, đối thoại, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành theo dõi, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và trao đổi, giải đáp những ý kiến thuộc chức năng, nhiệm vụ, ngành, lĩnh vực được giao.
Thường trực Tỉnh ủy cũng nêu câu hỏi và đề nghị các đại biểu làm rõ một số vấn đề có liên quan từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở; trực tiếp trả lời, giải đáp ý kiến của các đại biểu hoặc bổ sung ý kiến trả lời của các sở, ban, ngành để làm sáng rõ hơn những vấn đề các đại biểu quan tâm.
Trao đổi thêm về câu hỏi của ông Lê Khánh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn của nghề muối và của diêm dân. Để hỗ trợ nghề muối và diêm dân, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết; ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 với 3 dự án, trong đó có dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối huyện Quỳnh Lưu với tổng vốn 100 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ muối.
Liên quan đến câu hỏi của Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) về dự án quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, khu thể thao, giải trí Lan Châu - Song Ngư, đến nay gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Sau phần trả lời của các sở, ngành liên quan, ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh đối với những dự án chậm tiến độ, không thực hiện theo nội dung cam kết đầu tư thì sẽ kiên quyết xử lý, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành rà soát các dự án chậm tiến độ, trong đó có dự án này để đưa ra giải pháp xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý những dự án này còn có những vướng mắc liên quan đến tài sản nên tỉnh sẽ xem xét một cách thận trọng trong quá trình xử lý.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng làm rõ thêm một số nội dung, ý kiến của các đại biểu liên quan đến nhiều vấn đề tại địa phương, cơ sở. Về đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Văn Thông cho rằng, quy định tỷ lệ xếp loại xuất sắc 20% nhằm tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân làm tốt hơn, thể hiện tốt hơn, đảm bảo danh hiệu xuất sắc phải thật sự xứng đáng, nếu tỷ lệ xuất sắc tràn lan thì sẽ phản tác dụng thi đua, giảm động lực phấn đấu.
Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nêu một số câu hỏi liên quan đến những tình huống cụ thể ở các địa phương; đề nghị các đại biểu đưa ra giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Đơn cử, liệu có tồn tại tình trạng hành chính hóa trong hoạt động; kế hoạch triển khai hình thức, hướng dẫn không sát; không phát huy được vai trò, dẫn đến không tập hợp được quần chúng nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ? Có hay không khi đã được công nhận nông thôn mới, một số địa phương có dấu hiệu chững lại, không tích cực, không hăng hái nữa? Giải pháp khắc phục thế nào?
Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước với 460 phường, xã, thị trấn; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã gần 9.400 người. Đây là đội ngũ giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở cơ sở; quán triệt, tổ chức thực hiện mọi quyết định của cấp ủy cấp trên, cấp ủy cùng cấp và mọi chủ trương, kế hoạch của chính quyền các cấp đến với người dân.
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tin tưởng, chương trình gặp mặt, đối thoại lần này sẽ tiếp thêm động lực, tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững; thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước./.