Lớp tập huấn Nâng cao kỹ năng về dinh dưỡng, tâm lý thể thao và phòng, chống Doping trong tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển thể thao quốc gia có sự tham gia của gần 1.000 vận động viên, huấn luyện viên.
Ngày 11/7, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội tổ chức Lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về dinh dưỡng, tâm lý thể thao và phòng, chống Doping trong tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển thể thao quốc gia.
Tại lớp tập huấn, 1.000 vận động viên, huấn luyện viên đã được nghe các chuyên gia giới thiệu các chuyên đề về: Vai trò và đặc điểm của thực phẩm bổ sung trong thể thao thành tích cao; Khuyến nghị phác đồ thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho vận động viên, người tập thể thao; Hướng dẫn bổ sung thực phẩm trong giai đoạn trước, trong và sau thi đấu nhằm tăng thể lực cho vận động viên; Thực trạng việc huấn luyện tâm lý cho các vận động viên cấp cao của Việt Nam và Phòng, chống Doping trong thể thao.
Chia sẻ về tác động của thực phẩm chức năng đối với thể thao thành tích cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, để lựa chọn sản phẩm thực phẩm bổ sung phù hợp, cần có sự cân nhắc của huấn luyện viên, bác sỹ dinh dưỡng thể thao… để phát huy đúng tác dụng, tránh lãng phí và có thể gặp phải sản phẩm kém chất lượng gây nhiều tác dụng phụ cùng nguy cơ vi phạm các tiêu chí về doping/chất cấm.
“Cục Thể dục thể thao, các Trung tâm Huấn luyện thể thao nên coi thực phẩm bổ sung là cần thiết và có hiệu quả với vận động viên đỉnh cao. Cần có kế hoạch hợp lý hàng năm về kinh phí, chủng loại thực phẩm bổ sung, theo từng bộ môn thể thao, góp phần nâng cao thành tích vận động viên”, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội nhận định, hiện thực trạng công tác huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho vận động viên các môn thể thao đối kháng trực tiếp cấp cao Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục mới có thể nâng cao thành tích thi đấu.
“Nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý còn thiếu, chưa coi trọng việc rèn luyện và vận dụng kỹ năng tự điều chỉnh tâm lý thi đấu cho vận động viên, dẫn đến số lượng vận động viên có trạng thái tâm lý xấu trước thi đấu còn có tỷ lệ cao. Việc sử dụng các biện pháp điều chỉnh tâm lý trước thi đấu còn chưa đa dạng và chưa đạt hiệu quả cao”, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội đánh giá.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, các đội tuyển có vận động viên, huấn luyện viên thi đấu tại Olympic Paris 2024 (gồm: Bắn cung, bắn súng, cử tạ, boxing, judo, canoeing, rowing, xe đạp, cầu lông, điền kinh, bơi lội) từ nay đến ngày thi đấu cần giữ gìn và duy trì sức khỏe, tập luyện, sinh hoạt bảo đảm an toàn, luôn vui vẻ, tự tin. Không tự gây áp lực tâm lý về chỉ tiêu thành tích hay bất cứ lý do nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể lực và tinh thần. Trước và trong và sau thi đấu luôn duy trì năng lượng tích cực, tỉnh táo, đảm bảo từng đợt, từng trận thi đấu một cách hiệu quả nhất./.