Mặc dù nhiều chỉ số giáo dục đại học đã được cải thiện nhưng Việt Nam chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thuộc top 10 của ASEAN theo bảng xếp hạng QS; đặc biệt, đại học Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua được "bẫy" top 5 ASEAN.
Ngày 27/2, Kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thách thức đối với giáo dục Đại học Việt Nam dưới góc nhìn của kiểm định chất lượng, đối sánh và xếp hạng đại học".
Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia chia sẻ, thảo luận với các nhà quản lý, hoạch định chính sách giáo dục, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các giảng viên, học giả, nhà nghiên cứu… để nhận diện chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trên ba cấp độ: Quốc gia, cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo, thông qua phân tích kết quả đánh giá xếp hạng QS, xếp hạng đối sánh UPM và kết quả kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh cho đại học Việt Nam.
Theo khảo sát về "Thách thức của giáo dục đại học Việt Nam qua kết quả kiểm định chất lượng, xếp hạng và xếp hạng đối sánh", nhóm nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức chỉ ra rằng, trong xếp hạng chung, giáo dục đại học Việt Nam có thể thuộc nhóm 70 của thế giới nhưng chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thuộc top 10 của ASEAN theo bảng xếp hạng QS; đặc biệt, đại học Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua được "bẫy" top 5 ASEAN. Trong bảng xếp hạng 140 thành phố đại học tốt nhất thế giới năm 2023, Việt Nam không có tên, trong khi đó, khu vực ASEAN có đến 7 thành phố thuộc các quốc gia Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines và Indonesia.
Các chuyên gia phân tích, mặc dù nhiều chỉ số giáo dục đại học (về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu cơ bản, phát minh sáng chế, chỉ số đổi mới sáng tạo, xếp hạng đại học) đã được cải thiện nhưng chưa đủ. Mục tiêu tổng quát để giáo dục đại học và khoa học công nghệ đóng góp, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực hiện được.
So với tầm khu vực, xu thế phát triển của Việt Nam đang bị chậm lại, đạt ngưỡng, thậm chí khả năng mắc bẫy top 5 ASEAN đã hiện hữu, khả năng tăng trưởng đã bị hạn chế, càng thách thức với khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình của nền kinh tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cần thiết phải xem xét lại chính sách đầu tư và mô hình phát triển giáo dục đại học, khoa học công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp duy nhất là nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của giảng viên. Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ, năng suất và chất lượng nghiên cứu phải được tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Chỉ có các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yếu tố này mới có khả năng đổi mới giáo dục thành công, gia tăng giá trị cho người học từ đầu vào đến khi tốt nghiệp.
Qua khảo sát và thống kê số liệu cho thấy, ở các cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên với tỷ lệ tiến sĩ cao (> 40%) và tổ chức nghiên cứu khoa học tốt, khả năng triển khai các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo rất có hiệu quả. Giảng viên nghiên cứu khoa học tốt, sinh viên được hưởng lợi và năng lực của sinh viên được nâng cao trong quá trình tham gia các hoạt động này với giảng viên. Ngược lại, các cơ sở đào tạo thiếu các điều kiện này, dù rất quan tâm đến đổi mới, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhiều nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Đối với khuôn viên đại học, ngoài sự hạn chế về diện tích, mặt bằng, thư viện và các nguồn học liệu cũng là một bất cập lớn, khá phổ biến, làm ảnh hưởng nhiều đến việc phục vụ và hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Bên cạnh đó, mối quan hệ của nhà trường và các bên liên quan, đặc biệt là với doanh nghiệp là một điểm yếu của đại học nước ta. Khó khăn chung là do doanh nghiệp Việt Nam chưa lớn mạnh. Số liệu cho thấy, trên 98,5% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với động lực phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo rất hạn chế.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, để thoát bẫy top 5, trở thành quốc gia trong nhóm dẫn đầu của khu vực, tạo tiền đề thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân tài; đầu tư, thu hút được sinh viên giỏi vào học các lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ kỹ thuật. Cùng với đó, đổi mới giáo dục đại học cần tập trung hướng đến tư duy, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới nỗ lực tạo ra của cải vật chất và gia tăng giá trị cho xã hội. Đó mới là tiền đề cho nền văn minh và thịnh vượng của các quốc gia./.
- Từ khóa:
- giáo dục đại học
- kiểm định chất lượng