Xã hội

Thái Bình quan tâm thực hiện tốt chính sách với người có công

Thái Bình

Thái Bình không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo; 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

TTXVN - Thái Bình là tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng. Số lượng người có công với cách mạng của tỉnh thuộc nhóm đứng đầu toàn quốc. Để tri ân công lao đóng góp của người có công với cách mạng, thời gian qua, tỉnh Thái Bình luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt, thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với người có công với cách mạng.

* Nhiều chính sách ưu đãi thiết thực, hiệu quả

Chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, người có công luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thái Bình quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết: Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Thái Bình có trên 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Kết thúc chiến tranh, tỉnh có trên 52.000 liệt sĩ; trên 32.000 thương, bệnh binh; hàng vạn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị địch bắt tù, đày; trên 5.500 người được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 20 vạn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến... Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 362.000 người được xác nhận, giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công, người tham gia hoạt động kháng chiến được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ.

Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, điều chỉnh tăng dần. Hiện nay, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng thực hiện theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP của Chính phủ với mức chuẩn 2.055.000 đồng. Tỉnh Thái Bình đã có 67.000 lượt người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng được điều chỉnh theo mức trợ cấp này. Trong giai đoạn 2012 - 2021, tỉnh đã thực hiện trợ cấp ưu đãi giáo dục đào tạo cho người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 209 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm y tế người có công với kinh phí 650 tỷ đồng; trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp người có công với 23,4 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, tỉnh Thái Bình đã rà soát trên địa bàn trong 2 năm 2014 - 2015. Kết quả, tỉnh có trên 1.300 trường hợp đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Trong giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình các cơ quan có thẩm quyền xác nhận cho 67 trường hợp là liệt sĩ và thương binh. Với những trường hợp chưa đảm bảo về điều kiện hoặc chưa bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đã hướng dẫn tra cứu, bổ sung, báo cáo cơ quan thẩm quyền tháo gỡ và trả lời công dân theo quy định.

Đối với việc thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đến nay, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành lập bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo của tỉnh Thái Bình đã khảo sát, xác minh, kết luận thông tin liệt sỹ hy sinh trên địa bàn chưa được quy tập và tổ chức truy điệu 31 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; tiến hành giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị cho 476 trường hợp; rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sỹ, cung cấp thông tin cho 925 gia đình liệt sỹ.

Tỉnh Thái Bình hiện có hơn 200 công trình ghi công liệt sỹ, các công trình này cơ bản được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững và thường xuyên được nâng cấp, cải tạo. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 210 công trình ghi công liệt sỹ. Các công trình này và mộ liệt sỹ cơ bản được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững. Giai đoạn 2012-2020, 125 lượt công trình ghi công liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, năm 2012 - 2013, tỉnh Thái Bình đã triển khai rà soát, xác định đối tượng thuộc diện hỗ trợ về nhà ở để phê duyệt Đề án của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở theo Quyết định này với 17.400 hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện về nhà ở từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn xã hội hóa khác.

Cùng với các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" của Thái Bình đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Giai đoạn 2012-2020, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh đạt 12,511 tỷ đồng, qua đó tạo nguồn lực chăm lo đời sống, hỗ trợ cải thiện điều kiện về nhà ở, hỗ trợ tu sửa công trình ghi công liệt sỹ, trợ cấp khó khăn cho người có công và thân nhân. Giai đoạn 2012-2021, vào dịp Tết nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), cùng với quà tặng của Chủ tịch nước, tỉnh đã trích ngân sách gần 570 tỷ đồng để thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng và thân nhân. Từ năm 2012 đến nay, Thái Bình không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo; 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ.

Hiện nay, tỉnh Thái Bình có Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần và Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công. Hằng năm, gần 4.000 người có công của tỉnh được điều dưỡng, nuôi dưỡng. Các trung tâm đều thực hiện tốt công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công và thân nhân.

* Tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách

Chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, người có công luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thái Bình quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao. Ảnh: Thế Duyệt/ TTXVN)

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại Thái Bình còn có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, khi làm thủ tục giải quyết chế độ đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945, trong bản khai mẫu số 01, mẫu số 02, Phụ lục 1, Nghị định 131/2021/NĐ-CP, phần xác nhận của UBND xã chỉ xác nhận về tình trạng cư trú và chữ ký của người lập bản khai, không xác nhận nội dung kê khai. Như vậy, rất dễ ra sai sót nếu người hoạt động cách mạng đã từ trần, người lập bản khai không phải người thờ cúng, không phải thân nhân được các thân nhân còn lại ủy quyền theo đúng quy định... Để khắc phục hạn chế này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thái Bình đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, khi ban hành mẫu biểu kèm theo Bộ Thủ tục hành chính giải quyết chế độ đối với người hoạt động cách mạng cần bổ sung xác nhận của UBND xã về nội dung kê khai của thân nhân hoặc người thờ cúng để UBND xã xác nhận theo đúng thẩm quyền.

Tại khoản 2, Điều 155 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định: “thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (tối đa 3 người) được hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ”. Trên thực tế, có rất nhiều người thờ cúng liệt sĩ do tuổi cao, sức yếu không thể thực hiện di chuyển hài cốt liệt sĩ phải ủy quyền cho người khác. Tuy nhiên, theo quy định, đối tượng này không được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại; có trường hợp địa phương nơi quản lý mộ liệt sĩ không chấp nhận Giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình giới thiệu người được người thờ cúng liệt sĩ ủy quyền di chuyển hài cốt liệt sĩ... Do vậy, nhiều trường hợp gia đình không thể thực hiện việc di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương, gây bức xúc cho người thờ cúng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ. Để thống nhất cho việc giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ nói chung và tạo điều kiện cho gia đình liệt sĩ được di chuyển hài cốt liệt sĩ theo nguyện vọng của người thờ cúng, gia đình liệt sĩ, Sở kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xem xét, hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với thực tế.../.

Sơn Hải

Xem thêm