Ngoài các điểm đến đặc trưng, Thái Nguyên đã xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới.
TTXVN - Thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã xây dựng, định hình, phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hút đối với khách du lịch.
Trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà, nổi bật nhất là Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Bản làng Thái Hải) tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên gồm 30 ngôi nhà sàn truyền thống với tuổi đời gần một thế kỷ, là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Tày - Nùng, còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán tốt đẹp, nghề truyền thống như: làm thuốc nam, chế biến chè, thực hành Then. Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải vừa đoạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023 và cũng là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND thành phố Thái Nguyên và UBND huyện Võ Nhai xây dựng hai điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) và xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai). Đến nay, hai điểm du lịch này đã hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng sản phẩm du lịch, cung ứng dịch vụ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương đã tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới như: bản Tèn, xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ); xã La Bằng và xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ); xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình (huyện Định Hóa); điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, tại xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (thành phố Sông Công)...
Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong hai năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên đã đưa vào khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà gồm: Di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên) - Khu Di tích Quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái (thành phố Thái Nguyên) - Đền Đuổm (huyện Phú Lương) - Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa) - Thiền viện trúc lâm Tây Trúc - Di tích núi Văn, núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu Du lịch Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ); điểm du lịch cộng đồng xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh - di tích quốc gia Đền Đuổm, di tích cấp tỉnh Đền Trình, thị trấn Giang Tiên - Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - thành phố Thái Nguyên; Đình Mỏ Gà - hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (xã Phú Thượng, Võ Nhai) - Thác Mưa rơi - Di tích khảo cổ học Thần Sa - Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II - Rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá) - Di tích Bác Hồ ở Làng Vang (xã Liên Minh) - Di tích Khảo cổ học Hang Ốc (xã Bình Long, Võ Nhai)...Thái Nguyên tập trung xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE và sản phẩm du lịch thể thao, khám phá hang động tại hang Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai), hang Chùa Hang (huyện Định Hóa)...
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, du lịch Thái Nguyên đã có bước phát triển khá, từng bước định hình, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát huy các thế mạnh, lợi thế, tiềm năng về di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, truyền thống, thiên nhiên, cảnh quan, đất và người Thái Nguyên. Địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, thân thiện với môi trường, hấp dẫn khách du lịch, công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch đã được quan tâm đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước được đầu tư...
Tuy vậy, thực tế hiện nay, đóng góp của du lịch trong GDRP còn thấp; sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, thiếu dịch vụ du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp, nhất là các khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, sân golf, dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao để thu hút khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng với xu thế phát triển chung. Tỉnh chưa thu hút được những dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch đặc biệt là đầu tư khai thác tiềm năng khu du lịch vùng hồ Núi Cốc, chưa có nhà đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ cao cấp...
Giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm, đón được hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm, công nhận ít nhất 5 điểm du lịch cấp tỉnh, thu hút đầu tư 5.200 phòng lưu trú du lịch đạt chuẩn, tạo việc làm cho 16.000 lao động./.