Các hoạt động góp phần tăng cường sự gắn bó của mỗi thành viên trong gia đình, hướng đến đối tượng khách gia đình đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
TTXVN - “Ngày hội gia đình” là chủ đề của chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong suốt tháng 6/2023.
Đây là các hoạt động nhằm chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, sự cố kết cộng đồng, sự gắn bó của mỗi thành viên trong gia đình, hướng đến đối tượng khách gia đình đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong đó, nổi bật là Ngày hội Văn hóa gia đình của cộng đồng các dân tộc thông qua nhiều môn thể thao truyền thống, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao ý nghĩa của ý chí, tinh thần tập thể, đoàn kết. Đáng chú ý là chương trình giới thiệu văn hoá truyền thống “Sắc màu văn hoá dân tộc H’rê tỉnh Quảng Ngãi”. Cụ thể, đồng bào H’rê tái hiện lễ cúng bến nước - hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh. Phong tục này không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng mà góp phần nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước buôn làng.
Lễ cúng bến nước còn được gọi là Tết giọt nước, Tết bến nước, nghi lễ truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng, đậm chất nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn. Sau lễ cúng sẽ là các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như múa xoang, cồng chiêng, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt vải, ẩm thực độc đáo.
Đồng bào H’rê cũng mang đến chương trình dân ca dân vũ “Giai điệu núi rừng” với nhiều tiết mục văn nghệ, loại hình trình diễn, diễn xướng dân gian, thể hiện được vẻ đẹp con người, mảnh đất Quảng Ngãi. Cùng với đó là phần giao lưu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc H’rê với đồng bào Cơ Tu, Gia Rai...
Trong tháng 6/2023, lễ Phật đản sẽ được tổ chức tại chùa Khmer ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là ngày lễ kỷ niệm lớn nhất trong năm của Phật giáo. Ngày Phật đản còn gọi là Đại lễ Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn. Vào ngày này, phật tử thường tới chùa cúng trai tăng, nghe pháp, xin thọ trì bát quan trai giới, tụng kinh, thọ hạnh đầu đà một đêm hoặc tổ chức nghi thức tắm Phật, rước xe hoa Phật.
Đồng bào các dân tộc tại Làng cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mỗi gia đình trong cộng đồng, giới thiệu những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa gia đình (vợ chồng, anh em, tình làng nghĩa xóm…). Bên cạnh đó, đồng bào cũng giới thiệu đến du khách các nghề thủ công truyền thống, quy trình sản xuất từ lựa chọn nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, mỗi không gian làng nghề truyền thống đều có các nghệ nhân hướng dẫn công chúng tạo nên một sản phẩm hoàn thiện; kể những câu chuyện về truyền nghề, cách ứng xử gia đình trong đời sống hàng ngày; tìm hiểu, thưởng thức ẩm thực...
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa đồng bào các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam./.