Các huyện miền núi Thanh Hóa đang tích cực rà soát để có phương án sớm bố trí đất ở cho người dân ổn định cuộc sống.
TTXVN - Tại Thanh Hóa, do đặc thù địa hình có nhiều đồi núi cao, hiểm trở, quỹ đất ở hạn hẹp, cùng với tập quán du canh, du cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số đã dẫn đến hệ lụy có hàng trăm hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, hoa màu, đất rừng. Hiện các huyện miền núi Thanh Hóa đang tích cực rà soát để có phương án sớm bố trí đất ở cho người dân ổn định cuộc sống.
Trước đây gia đình anh Lữ Đức Cảnh (xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) ở sâu trong rừng, tuy nhiên do địa hình đi lại khó khăn, cùng với nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất không đảm bảo an toàn, năm 2012, gia đình anh cùng hàng chục hộ dân đã di cư đến nơi ở mới, gần đường lớn, nay thuộc bản La, xã Trung Xuân.
Để ổn định cuộc sống, các hộ dân đều đã xây dựng nhà ở kiên cố. Hiện trên địa bàn xã Trung Xuân có 38 hộ dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với bà con để giải quyết vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện để người dân sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đa phần các hộ đều có khó khăn về kinh tế nên chưa đăng ký làm hồ sơ.
Bày tỏ mong muốn sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh Cảnh cho biết, gia đình cũng ý thức được việc xây dựng nhà trên đất lúa là sai quy định, tuy nhiên hiện nay quỹ đất ở hạn hẹp nên gia đình không biết chuyển đi đâu. Anh Cảnh mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương hỗ trợ thủ tục, hồ sơ và một phần kinh phí để gia đình được cấp đất ở.
Theo ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, do đặc thù địa hình huyện Quan Sơn hẹp, dốc, đồi núi cao xen kẽ giữa sông, suối, mùa mưa dễ xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và gây ngập úng cục bộ; quỹ đất ở hạn hẹp. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 500 hộ đang sinh sống và làm nhà ở trên đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, hoa màu, đất rừng; trong đó, xã quản lý 498 hộ, Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn quản lý 17 hộ.
Hiện địa phương đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đất đai, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp là trái phép, bên cạnh đó tích cực rà soát, đối với những địa bàn đủ điều kiện cư trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi hướng dẫn người dân sớm hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối với những khu vực tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sẽ có kế hoạch bố trí tái định cư.
Bá Thước là huyện miền núi thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai như sạt lở, lũ ống, lũ quét. Tại đây có một số trường hợp không còn đất ở do trải qua các đợt thiên tai, một số hộ dân thực hiện việc tách hộ trong điều kiện quỹ đất ở của địa phương không nhiều. Điều này dẫn tới thực trạng có hàng trăm hộ dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.
Theo rà soát, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có 764 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp với diện tích khoảng 192 nghìn m2; trong đó có 619 trường hợp vi phạm trước năm 2014; 144 trường hợp vi phạm từ năm 2020 và 1 trường hợp vi phạm trong năm 2021.
UBND huyện đã ban hành văn bản kiểm điểm các cá nhân để xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất rừng và đất nông nghiệp. Địa phương cũng đề ra các phương án xử lý, trong đó: Đối với vi phạm trước năm 2014, xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch. Đối với các trường hợp vi phạm từ 2014 - 2020, lập biên bản tạm thời cho sử dụng đất theo hiện trạng, giao UBND xã tăng cường kiểm tra, giám sát không để phát sinh sai phạm. Đối với vi phạm từ năm 2021 đến nay sẽ xử lý theo quy định pháp luật; yêu cầu tháo dỡ công trình và các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục nguyên trạng.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng mới phát sinh, các địa phương đang tiếp tục rà soát, lập danh sách cụ thể từng trường hợp vi phạm, báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý. Tuy nhiên, để tháo gỡ, giải quyết triệt để tình trạng vi phạm tràn lan, kéo dài gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền cấp huyện, cần phải có sự vào cuộc của các sở, ngành cấp tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Các giải pháp được thực thi cần phải đảm bảo cả lý và tình, phù hợp với đặc thù dân tộc, miền núi, tránh gây phức tạp, xáo trộn tình hình an ninh, trật tự tại địa phương./.