Môi trường

Thanh niên Đà Nẵng tăng cường ý thức bảo vệ động vật hoang dã

Đà Nẵng

Các chuyên gia đã thảo luận nhiều chủ đề liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã và tăng cường sự tham gia của thanh niên trong công tác này.

Ngày 1/11, tại Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Greenviet) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, trường Đại học Đông Á tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của thanh niên trong ngăn chặn bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép ở khu vực miền Trung”.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phát biểu. 
Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận nhiều chủ đề liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã và tăng cường sự tham gia của thanh niên trong công tác bảo vệ, đáng chú ý các nội dung như: Hiện trạng về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam; Những thông điệp chính về bảo vệ động vật hoang dã và vai trò của sinh viên; Giáo dục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và động vật hoang dã cho sinh viên…

Ông Thái Văn Quang, công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho hay, Việt Nam sở hữu nhiều hệ sinh thái khác nhau, là một trong 14 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều động vật hoang dã, quý hiếm như voi, gấu, sao la, cáo, heo rừng, các loài linh trưởng, rắn biển, cá mập...

Mặc dù, Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg (23/7/2020) về một số giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã nhưng tình trạng săn bắn, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn diễn ra trên diện rộng và phức tạp.

Theo ông Thái Văn Quang, cần tăng cường trách nhiệm trong thực thi pháp luật, có nhận thức, trách nhiệm cả cộng đồng; giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã vì giảm tiêu thụ sẽ giảm quá trình săn bắt; đồng thời cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm…

Quang cảnh hội thảo. 
Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

PGS.TS Đậu Thị Hòa, Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á cho hay, trong 50 năm qua tại Việt Nam, các loài động vật có xương sống đã suy giảm đến 68%, nhiều loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, điển hình là tê tê, chà vá chân xám, tê giác, gấu. Riêng năm 2017, Việt Nam đã bắt giữ được 483 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, tịch thu 11.554 cá thể và 10.125 kg động vật hoang dã… Trước tình trạng trên, việc tuyên truyền, giáo dục có vai trò quan trọng. Trong đó, thế hệ thanh niên cần được bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, vì đây là thế hệ tương lai.

Nêu ra kinh nghiệm trong việc giáo dục sinh viên có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, PGS.TS Đậu Thị Hòa cho hay, những năm gần đây Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế trong môi trường tự nhiên; tạo điều kiện để sinh viên được hòa nhập vào thực tế, tận mắt chứng kiến sự phát triển của hệ sinh thái tự nhiên. Điều này đã tác động đến ý thức, thái độ và hành vi của sinh viên đối với việc bảo vệ động vật hoang dã. Khoa cũng thường tổ chức chương trình tập huấn về các chủ đề “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”, “Bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã”; “Thay đổi thói quen để sống cách sống Xanh"; đồng thời thành lập các đội truyền thông và tuyên truyền trong sinh viên về bảo vệ động vật hoang dã tại cộng đồng dân cư…/.

Võ Văn Dũng

Tin liên quan

Xem thêm