Xã hội

Thành phố Dĩ An "lên hạng" đô thị loại II

Bình Dương

Thành phố Dĩ An đang tập trung quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi được công nhận là đô thị loại II, thành phố đang đặt mục tiêu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.

Thành phố Dĩ An chính thức là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. (Nguồn: TTXVN phát)

TTXVN - Ngày 27/4, Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Dĩ An trở thành đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Bình Dương đã được tổ chức.

Thành phố Dĩ An là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hòa, gần sân bay và các cảng sông, cảng biển lớn. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp Dĩ An từ một vùng đất còn nhiều khó khăn đã nhanh chóng chuyển mình vươn lên, trở thành trung tâm kinh tế - chính trị mũi nhọn của tỉnh Bình Dương.

Hiện nay, kinh tế - xã hội của Dĩ An đang chuyển dịch theo đúng định hướng, chủ yếu tăng tỷ trọng ngành Dịch vụ- Công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,54%/ năm; giá trị thương mại- dịch vụ tăng bình quân 36,4%.

Ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dĩ An cho biết, chỉ tính riêng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 132 ngàn 438 tỷ đồng. Giá trị sản xuất các ngành Công nghiệp đạt trên 136 ngàn 226 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, xây dựng, môi trường, cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị cũng đạt và vượt so với tiêu chí về đô thị loại II.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 33,06m2/người (kế hoạch là 27m20. Tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 88,93% (kế hoạch là 88,93%). Tuyến đường thành phố quản lý được đầu tư đồng bộ đạt 84,84% (kế hoạch là 87,84%). Tỷ lệ tuyến đường phường quản lý được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 83,17% (kế hoạch là 65,3%). Tỷ lệ tuyến đường phường quản lý được chiếu sáng đạt 60,48% (kế hoạch là 27,27%). Diện tích cây xanh bình quân đạt 7,32m2 (kế hoạch là 5,6 m2). ..

Tuy nhiên, là địa bàn giáp ranh, thành phố Dĩ An phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, số lượng dân nhập cư đông kéo theo tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.

Thành phố Dĩ An đang tập trung quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi được công nhận là đô thị loại II, thành phố đang đặt mục tiêu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.

Trước đó, vào tháng 3/2017, thị xã Dĩ An được công nhận là đô thị loại III thuộc tỉnh Bình Dương. Tháng 1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Dĩ An, thuộc tỉnh Bình Dương.

Theo đó, năm 2011, 7/7 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Dĩ An được nâng cấp thành phường trước khi được Chính phủ công nhận là đô thị loại 4 và trở thành thị xã theo Nghị quyết số 04 của Chính Phủ. Đến tháng 4/2017, thị xã Dĩ An tiếp tục được Chính phủ công nhận đô thị loại III và đến năm 2020 đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo Nghị quyết số 857 của UBTVQH khóa 14.

Đến nay, thành phố Dĩ An lại tiếp tục được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 296 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, đây là thành tựu rất lớn từ sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong suốt chặng đường phát triển.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Dĩ An trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian ngắn. Đặc biệt là kết quả về xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần xây dựng Dĩ An trở thành đô thị văn minh, hiện đại, giàu đẹp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng hy vọng để Dĩ An phát triển nhanh, ổn định và xứng tầm là một đô thị trung tâm phía Nam của tỉnh, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Dĩ An cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bám sát với tình hình địa phương, lấy con người, nguồn nhân lực làm gốc. Địa phương nên phát triển đồng bộ trong vấn đề quy hoạch, có sự kết nối hạ tầng với các tỉnh lân cận./.


Huyền Trang

Tin liên quan

Xem thêm