Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự hoạt động hiệu quả
Công tác xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã giúp lực lượng chức năng phòng ngừa, phát hiện kịp thời, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.
TTXVN - Ngày 25/12, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiến tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo Ban Tổ chức, công tác xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã giúp lực lượng chức năng phòng ngừa, phát hiện kịp thời, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có tổng số 41 loại mô hình trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công an Thành phố đang trực tiếp duy trì 19 mô hình, trong đó có 8 mô hình đang hoạt động hiệu quả, điển hình như mô hình camera giám sát an ninh trật tự, đến nay đã lắp đặt hơn 30.000 camera, hơn 4.200 đầu thu; mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự khu vực chung cư,…
Ông Cao Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 4 chia sẻ, mô hình tổ tự quản vì an ninh trật tự khu vực chung cư tại Quận 4 dù mới triển khai, nhân rộng từ tháng 4/2023 đến nay, nhưng đã tổ chức được 236 ca tuần tra với hơn 1.600 người tham gia; phối hợp với lực lượng công an phường kiểm tra hành chính 213 lượt, phát hiện và khởi tố 7 vụ, xử phạt hành chính 65 trường hợp,…
Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên chủ trì, phối hợp với lực lượng công an duy trì 22 mô hình tự quản về an ninh trật tự, trong đó có 10 mô hình đang hoạt động hiệu quả như: mô hình 5 + 1 quản lý, giáo dục người lầm lỗi; mô hình câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội; mô hình đội hình thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm tại phường, xã, thị trấn…
Sau hơn 10 năm, hai bên đã phối hợp thực hiện trong Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, rút ra một số bài học kinh nghiệm chính như phong trào phải được quan tâm thường xuyên và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền, tạo điều kiện để các mô hình hoạt động hiệu quả. Lực lượng công an phải chủ động làm nòng cốt tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân. Các cấp, các ngành phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, gắn phong trào với đời sống thực tế của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào ở cơ sở, nhất là lực lượng công an cấp xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, các tổ chức quần chúng…
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên được duy trì thường xuyên, ngày càng có sự gắn kết. Việc lồng ghép nội dung Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vào mục tiêu, chỉ tiêu thi đua của các cơ quan, đơn vị, gắn với các cuộc vận động và các phong trào khác, được thực hiện linh hoạt, đổi mới, phong phú, thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các nội dung hoạt động của Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua.
Dịp này, Công an Thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình phối hợp “Đẩy mạnh Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, giai đoạn 2023 – 2033” trên địa bàn. Theo Chương trình phối hợp, hai bên sẽ tăng cường phối hợp để phát huy các mô hình hiệu quả; chú trọng xây dựng và phát động phong trào trên các địa bàn chiến lược như khu kinh tế tập trung, địa bàn giáp ranh, các khu vực trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự,…/.