Với việc tăng hơn 24.000 học sinh ở các bậc học, năm học 2024 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào sử dụng thêm hơn 500 phòng học mới.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trường lớp quá tải, thiếu đội ngũ giáo viên, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn đặt mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh trên địa bàn, trong đó có cả những trường hợp không có hộ khẩu ở địa phương. Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học cũng như thu hút, giữ chân giáo viên giỏi đang được Thành phố triển khai nhằm đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nâng chất lượng dạy và học; nhất là khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phóng viên TTXVN có chùm 2 bài viết về các giải pháp cũng như nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng các điều kiện cho năm học 2024 - 2025.
Bài 1: Gỡ khó xây trường
Với việc tăng hơn 24.000 học sinh ở các bậc học, năm học 2024 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào sử dụng thêm hơn 500 phòng học mới. Để giải bài toán cũ thiếu trường lớp mỗi đầu năm học mới, Thành phố quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây trường học với mục tiêu có thêm 4.500 phòng học mới vào năm 2025.
* Sĩ số lớp vượt chuẩn
Năm học 2024 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước. Nhiều năm gần đây, số học sinh học không có hộ khẩu ở Thành phố chiếm khoảng 20% trong tổng số học sinh và có xu hướng tăng qua các năm.
Để thực hiện được mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học cho mọi học sinh trên địa bàn, nhiều trường, lớp tại Thành phố Hồ Chí Minh phải gánh quá số học sinh so với chuẩn quy định (bậc tiểu học 35 học sinh/lớp; trung học cơ sở 45 học sinh/lớp). Thêm vào đó, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày bị kéo giảm xuống, không đáp ứng yêu cầu 100% học sinh học 2 buổi/ngày trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với bậc tiểu học. Tính chung toàn Thành phố, bậc tiểu học có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt khoảng 79%.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, với đặc thù địa bàn đông dân, nhiều năm nay, sĩ số học sinh/lớp ở các trường của quận thuộc nhóm cao nhất Thành phố, trung bình khoảng 42 em/lớp ở cấp tiểu học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp. Năm học 2023 - 2024, bậc tiểu học có khoảng 52% học sinh học 2 buổi/ngày, cấp trung học cơ sở đạt 38%. Năm nay, quận phấn đấu giảm sĩ số học sinh/lớp bậc tiểu học xuống khoảng 37 - 38 học sinh, duy trì sĩ số 45 học sinh/lớp ở bậc trung học cơ sở. So sánh với quy mô học sinh thực tế trên địa bàn, quận vẫn đang còn thiếu hơn 1.200 phòng học cho khối tiểu học và trung học cơ sở.
Không chỉ Bình Tân, một số quận, huyện khác ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chịu áp lực tăng dân số cơ học, sĩ số học sinh/lớp vượt chuẩn quy định. So với chuẩn 35 học sinh/lớp, bậc tiểu học của quận Gò Vấp đang cao hơn khoảng 6 - 7 học sinh ở mỗi lớp. Đối với cấp trung học cơ sở, sĩ số lớp cũng đang cao hơn chuẩn quy định khoảng 2 em. Tương tự, nhiều trường tiểu học ở Quận 12, thành phố Thủ Đức cũng có sĩ số lớp trên 40 học sinh, thậm chí trên 45 học sinh/lớp. Thực tế này đã làm hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp ở các quận, huyện của Thành phố vẫn chưa triệt để do còn thiếu quỹ đất sạch. Nhiều dự án chưa triển khai do vướng nhiều nguyên nhân (đất vướng quy hoạch, các vấn đề liên quan và phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí). Một số đơn vị trường học chưa tập hợp đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
* Xây thêm hàng ngàn phòng học
Với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường Trung học Cơ sở Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh cấp trung học cơ sở ở được học tại địa phương, không phải đi học xa như trước. Ông Hồ Thanh Danh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông B cho biết, trường được xây dựng với quy mô 36 phòng học cùng các phòng chức năng với đầy đủ các trang thiết bị theo quy định, tạo điều kiện tối đa cho giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp dạy và học. Đón năm học mới, trường sẽ tổ chức 16 lớp ở các khối với hơn 660 học sinh.
Nhiều năm nay, Bình Tân là một trong những quận ở Thành phố Hồ Chí Minh chịu áp lực lớn về chỗ học khi tập trung đông dân cư. Từ sự quyết tâm của quận, trong 2 năm gần đây, Bình Tân là địa phương xây được nhiều trường học nhất Thành phố. Năm học 2024 - 2025, quận sẽ khánh thành đưa vào sử dụng 7 trường học mới, gồm: 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở với 204 phòng học mới, nâng tổng số phòng học ở quận lên 4.000 phòng.
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, dù chưa đảm bảo được sĩ số học sinh/lớp theo chuẩn nhưng việc có thêm nhiều trường mới giúp quận tăng được tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày; trong đó, bậc tiểu học lên 62%, trung học cơ sở lên 48%. Năm học mới, áp lực về sĩ số dồn nhiều hơn vào bậc trung học cơ sở khi bậc học này tăng khoảng 2.000 học sinh. Theo kế hoạch, năm học 2025 - 2026, quận sẽ có thêm 12 trường học mới, từng bước giải quyết được 2 vấn đề là đưa sĩ số lớp học về mức chuẩn quy định và tăng dần tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
Năm học mới 2024 - 2025, huyện Hóc Môn có thêm 1 trường mới khang trang và hiện đại đi vào hoạt động, đó là Trường Tiểu học Lê Văn Phiên (xã Tân Thới Nhì). Cùng với 30 phòng học được trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học, Trường Tiểu học Lê Văn Phiên còn có đầy đủ các phòng, khu vực chức năng như: hồ bơi, sân bóng mini, khu thể dục thể thao, sân chơi, nhà ăn… đảm bảo cho việc tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày. Trong năm đầu tiên đưa vào hoạt động, trường chỉ tổ chức 4 lớp 1 với khoảng 130 học sinh. Các năm tiếp theo, trường sẽ tổ chức thêm các khối lớp còn lại đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong xã cũng như khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn cho biết, bên cạnh việc xây trường mới, huyện dành kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các phòng học, mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tại địa bàn huyện chỉ có một số ít khu vực tập trung đông dân cư như xã Bà Điểm gặp áp lực về trường học. Vì thế năm học mới 2024 - 2025, huyện vẫn đảm bảo 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; phần lớn các trường có sĩ số dưới 40 học sinh/lớp, nhiều trường có sĩ số 35 học sinh/lớp để thực hiện tốt nhất chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2024 - 2025, Thành phố sẽ đưa vào sử dụng thêm khoảng 500 phòng học mới. Dù chưa đảm bảo đủ trường lớp theo quy định nhưng có thêm phòng học sẽ góp phần giải quyết chỗ học khi lượng học sinh tăng qua các năm, giảm tải về sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày.
Giải pháp căn cơ để có thể đảm bảo đồng thời cả yêu cầu về sĩ số học sinh/lớp và tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày là xây thêm trường học theo kịp thực tế. Tuy nhiên những năm qua, việc triển khai các dự án xây dựng trường học ở Thành phố còn chậm tiến độ khiến nhiều địa phương gặp khó trong thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo đủ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Đến hết năm 2023, toàn Thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, ước thực hiện năm 2024 là 296 phòng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đề án này đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn kéo dài nhiều năm nay trong việc xây dựng trường lớp. Theo đó, Thành phố sẽ bố trí vốn và kêu gọi đầu tư để xây 227 trường học với 5.934 phòng học. Bên cạnh đó, Thành phố đẩy mạnh nhóm giải pháp về quỹ đất để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường./.
(*Bài 2: Tạo động lực, thu hút đội ngũ giáo viên)