Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Ngoại giao tăng cường phối hợp triển khai công tác đối ngoại
Hội nghị trao đổi thông tin và ký kết Quy chế hợp tác giữa Thành ủy Thành phố và Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao được thực hiện thể hiện sự quan tâm, trăn trở, trách nhiệm đối với đất nước cũng như với sự phát triển của Thành phố hiện nay.
TTXVN - Ngày 26/4, Hội nghị trao đổi thông tin và ký kết Quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương, đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị và ký kết Quy chế hợp tác giữa Thành ủy Thành phố và Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, qua đó thể hiện sự quan tâm, trăn trở và trách nhiệm đối với đất nước cũng như với sự phát triển của Thành phố hiện nay.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao là đơn vị đầu tiên triển khai Nghị quyết 31-NQ/TW về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ; thể hiện sự chấp hành và thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình trọng tâm, trọng điểm của Bộ Chính trị, đồng thời thể hiện sự đổi mới phương thức hoạt động của Đảng; thể hiện ý thức trách nhiệm và sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển. Đó không chỉ là sự lựa chọn là là nhận thức, ý thức và trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng cần nhận thức về vai trò, vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển của đất nước, là cực tăng trưởng của cả nước, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của khu vực và cũng là một trung tâm đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước. Vì vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp hôm nay nhằm nâng cao trách nhiệm hơn nữa từ hai phía; nâng cao tính chủ động hơn nữa, tăng cường các hoạt động phối hợp chặt chẽ, chất lượng và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Nội dung bản Quy chế cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh luôn có bên mình một nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển hơn trong thời gian tới là ngành Ngoại giao; ngược lại Bộ Ngoại giao cũng có thể xem Thành phố như một nơi thu nhỏ của đất nước để triển khai, tổ chức thực hiện những kế hoạch, thậm chí là thí điểm theo tinh thần kết luận Bộ Chính trị trong những vấn đề, lĩnh vực liên quan đến yếu tố đối ngoại, hợp tác quốc tế. Phương châm của Thành phố Hồ Chí Minh là phải thích ứng linh hoạt, hiệu quả nên sẵn sàng bổ sung những yêu cầu hành động trên tinh thần sự biến động của thế giới, vì đất nước, vì sự phát triển.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, điều đầu tiên khi triển khai Quy chế là cần quán triệt nhận thức trong toàn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thành phố, trong hệ thống chính trị về về nội dung, ý nghĩa công tác phối hợp trong hoạt động đối ngoại vì lợi ích quốc gia. Đồng thời, nêu cao vai trò người lãnh đạo, người đứng đầu trong thực hiện các nội dung Quy chế, nhất là các nội dung thể hiện tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị (về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung); thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm để bổ sung, nâng cao chương trình hợp tác hiệu quả, chất lượng và chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã thông tin tình hình thế giới, hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua; dự báo tình hình thế giới trong thời gian tới và một số đề nghị đối với Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn là đầu tàu đối ngoại, hội nhập quốc tế và luôn tiên phong, năng động, sáng tạo trong hoạt động đối ngoại, là cửa ngõ hội nhập quốc tế quan trọng ở phía Nam của đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh có Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao vừa là cơ quan tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố thực hiện hoạt động đối ngoại tại Thành phố. Với tính chất đặc thù và đặc biệt này, Quy chế phối hợp được xây dựng nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn Thành phố, phục vụ công tác đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của riêng Thành phố mà cả khu vực phía Nam.
Bộ Ngoại giao sẵn sàng phối hợp phục vụ các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của Thành phố, cùng xây dựng chiến lược đối ngoại theo Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị (về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, trong đó tập trung vào nội dung thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển. Bộ Ngoại giao sẵn sàng phối hợp cùng Thành phố tìm kiếm, vận động các đối tác, tiếp cận các nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, năng lượng, môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế xanh... và kết nối với các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ, giúp đỡ và cùng Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng quan hệ, tiếp tục làm sâu sắc, mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác với các địa phương nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin hai chiều với Thành phố, trong đó sẽ thu thập thông tin, cung cấp cho Thành phố những thông tin dự báo, đánh giá xu hướng, kinh nghiệm phát triển của các nước…
Theo nội dung Quy chế, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; tham mưu nghiên cứu các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại tùy tình hình thực tiễn; thường xuyên trao đổi thông tin, tổng hợp báo cáo tình hình khu vực và thế giới, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Thành phố; phối hợp chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai thật hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và các thông tin đối ngoại./.