Xã hội

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp

Lào Cai

Tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo ngành liên quan, địa phương phải luôn đồng hành, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt; chủ động trong dự báo thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp và tăng cường tìm kiếm cơ hội thị trường mới.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy tuyển đồng Tả Phời (Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh /TTXVN)

(TTXVN) Trong 6 tháng đầu năm năm 2023, ngành công nghiệp của tỉnh Lào Cai tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn từ sự thiếu hụt về nguyên nhiên vật liệu, đầu ra cho sản phẩm… Trước thực tế này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn kịp thời tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất.

Ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào còn ở mức cao; thiếu nguyên liệu sản xuất; một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao; Nhà máy gang thép Việt – Trung chưa hoạt động trở lại. Một số đơn vị gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thực hiện các dự án,...

Mặt khác, do ảnh hưởng của El-Nino, những tháng đầu năm trên địa bàn không có mưa lớn nên mực nước ở các hồ chứa xuống thấp không đủ phục vụ nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như ngành điện. Giá trị sản suất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đạt 20.207 tỷ đồng, bằng 40% so với kế hoạch và bằng 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Tam Tính - Giám đốc Công ty cổ phần đồng Tả Phời cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, với quyết tâm, nỗ lực của ban lãnh đạo công ty, sự đồng lòng của người lao động, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của công ty đến nay đều đạt trên 50% kế hoạch năm 2023. Cụ thể, doanh thu trong 6 tháng đạt gần 640 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 165 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 11,8 triệu đồng/tháng.

Đối với các nhà máy sản xuất phân bón, phốt pho, axit, thức ăn gia súc của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang Lào Cai đã phải giảm công suất do nguồn cung cấp quặng của các đơn vị trên địa bàn tỉnh thiếu hụt, cộng với thị trường tiêu thụ gặp khó khăn (thiếu đơn hàng xuất khẩu), giá bán sản phẩm giảm.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang Lào Cai cho biết, công ty đã chủ động tìm kiếm đối tác đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiếp tục cải tiến công nghệ để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Có thời điểm thiếu đơn hàng, công ty chỉ đạo dừng một số nhà máy để bảo dưỡng, hiệu chỉnh chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất liên tục vào những tháng cuối năm, khi thị trường thế giới tốt hơn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP số 2 (Vinachem) Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn về cả nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất là quặng apatit chỉ đáp ứng được 65% năng suất thiết kế và chất lượng quặng apatit cấp để sản xuất ngày càng kém, hàm lượng tạp chất lớn dẫn đến chi phí tăng, hiệu quả sản xuất không cao. Giá bán sản phẩm cũng giảm mạnh, năm 2022 lúc cao nhất đạt 22 triệu đồng/tấn phân bón nhưng hiện giảm còn 14,5 triệu đồng/tấn phân bón.

Còn theo ông Hoàng Ngọc Minh - Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai, do ảnh hưởng của chiến sự Nga và Ukraina dẫn đến chuỗi cung ứng phần lớn nguyên - vật liệu, thiết bị nhập khẩu bị chậm, giá có xu hướng tăng, trong khi giá bán sản phẩm đồng lại giảm; giá xăng, dầu tăng làm tăng chi phí trực tiếp và gián tiếp tới quá trình sản xuất của chi nhánh.

Trước thực tế này, đơn vị chủ động tìm nguồn hàng và các kênh cung cấp vật tư thay thế cho vật tư có nguồn gốc từ Trung Quốc; kiểm soát chặt chẽ và kịp thời điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp với thực tế...

Tại Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gặp nhiều khó khăn khi giá phân bón trên thế giới và trong nước giảm mạnh; các khai trường 18, 19, Cam Đường 2 vướng mắc thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng chưa thể tổ chức sản xuất; các khai trường Ngòi Đum - Đồng Hồ, Mỏ Cóc chưa giải quyết được bãi thải; khai trường 10 hết hạn giấy phép khai thác; nguồn quặng apatit loại III cấp liệu cho các nhà máy tuyển, đặc biệt là cho Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn tính khả tuyển thấp.

Cùng đó, Nhà máy tuyển Cam Đường, Nhà máy tuyển Tằng Loỏng khó khăn về hồ thải; tình trạng cung cấp điện thiếu và không ổn định. Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam chia sẻ, do gặp khăn nên công ty đã phải linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, không để đứt gãy sản xuất, nguồn cung quặng cho các đơn vị, đối tác và duy trì việc làm, thu nhập cho gần 1.900 người lao động với thu nhập bình quân 11,8 triệu đồng/người/tháng.

Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai Vương Chinh Quốc cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều giải pháp tích cực gỡ khó cho danh nghiệp; trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án đang thực hiện, miễn giảm thuế đất cho các dự án đầu tư mới, hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, linh kiện phục vụ cho sản xuất công nghiệp...

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo ngành liên quan, địa phương phải luôn đồng hành, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt; chủ động trong dự báo thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp và tăng cường tìm kiếm cơ hội thị trường mới.

Tỉnh tích cực triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án khai thác quặng apatit, đồng, sắt; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp đang triển khai, kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ do lỗi chủ quan của nhà đầu tư để giao cho đơn vị khác đủ năng lực thực hiện./.

PV

Xem thêm