Nhờ có bảo hiểm y tế, nhiều người bệnh có điều kiện để chữa trị các bệnh hiểm nghèo, nan y, giảm bớt nỗi lo về chi phí khám, chữa bệnh.
TTXVN - Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng, Nhà nước. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình…
Nhờ có bảo hiểm y tế, nhiều người bệnh có điều kiện để chữa trị các bệnh hiểm nghèo, nan y, giảm bớt nỗi lo về chi phí khám, chữa bệnh. Đối với nhiều người, tấm thẻ bảo hiểm y tế là phương án giải quyết gánh nặng kinh tế khi không may mắc bệnh. Hơn thế nữa, với các bệnh nhân kém may mắn phải “lấy bệnh viện là nhà”, đây thực sự là tấm "bùa hộ mệnh".
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) hiện có 10 máy lọc thận. Với trên 50 bệnh nhân lọc thận liên tục, Bệnh viện phải hoạt động hết công suất với 3 ca/ngày. Trung bình một lần chạy lọc thận, bệnh nhân nếu không có bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả trên 500.000 đồng. Những trường hợp này nếu không tham gia bảo hiểm y tế, bệnh nhân rất khó khăn để duy trì điều trị.
Bà Nguyễn Thị Đào (Quang Bình, Hà Giang) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang. Bà cho biết, do mắc bệnh về thận, bà đã phải chạy chữa từ nhiều năm nay. Rất may có bảo hiểm y tế, gánh nặng về kinh tế được giảm đi rất nhiều.
Cũng là bệnh nhân coi “bệnh viện như nhà”, bà Nguyễn Thị Ổi (Bắc Quang) chia sẻ: “Gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn lại mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu như không có bảo hiểm y tế, tôi cũng không thể điều trị chạy thận được vì chi phí rất lớn”.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang Lưu Đình Đề cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, khoảng trên 46.000 lượt bệnh nhân đến khám theo bảo hiểm y tế. Tổng chi phí Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân là khoảng trên 38 tỷ đồng, tương đương với mức chi trả cho bệnh nhân khoảng 93%.
Bắc Quang là huyện miền núi của tỉnh Hà Giang, địa hình chia cắt. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ những chính sách hỗ trợ của Trung ương và của địa phương, đa số bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, điều trị được hưởng bảo hiểm. Đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, gặp những bệnh nặng hoặc bệnh có những phẫu thuật lớn. Nếu không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân rất khó để tiếp tục theo điều trị. Bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số là cứu cánh, giúp cho người dân khám, chữa bệnh và điều trị thuận lợi, liền mạch hơn.
Ông Mai Quang Hùng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng số có trên 867.000 người có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, đạt khoảng 97,21% dân số. Để đạt được tỷ lệ bao phủ như vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết số 49/2020/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng trên địa bàn.
Nghị quyết số 49 nêu rõ: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều không thiếu hụt về bảo hiểm y tế, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ông Mai Quang Hùng cho biết, cùng với phần ngân sách Trung ương hỗ trợ, đến thời điểm này, ngân sách địa phương hỗ trợ 100% đối tượng người dân tộc thiểu số, cận nghèo, học sinh, sinh viên, người làm nghề nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình. So với các tỉnh miền núi, Hà Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ban hành chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế. Gần 100% người dân trên địa bàn tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế, giúp bà con yên tâm trong việc khám, chữa bệnh và ổn định cuộc sống.
Là một tỉnh miền núi biên giới còn gặp nhiều khó khăn, việc được hưởng những chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế từ Trung ương đến địa phương đã phần nào giúp người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng giảm áp lực kinh tế, an tâm hơn trong việc khám chữa bệnh, từ đó ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế./.