Thái Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
TTXVN - Ngày 18/3, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với Trưởng phòng và tương đương của một số cơ quan, đơn vị về công tác cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại Hội nghị các đại biểu thảo luận, trao đổi khó khăn doanh nghiệp còn ý kiến, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư…
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nêu ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh như, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đứng thứ 9/11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng; tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao; cải cách hành chính đạt thấp, chậm đổi mới; chuyển đổi số còn chậm…
Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thái Bình chỉ ra tồn tại, vai trò, vị trí, trách nhiệm của cấp phòng và những mong muốn định hướng phát triển của tỉnh...
Để thực hiện hóa mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá, một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng, lãnh đạo cấp phòng cần gắn kết thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính. Đặc biệt, chủ động trao đổi, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong năm 2024, Thái Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của tỉnh; xử lý dứt điểm tồn tại, kiên quyết không để xảy ra vi phạm mới, đặc biệt là điểm “nóng” về môi trường.
Thái Bình đẩy nhanh thực hiện Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh và các dự án phát triển nhà ở ven sông Trà Lý; tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp VSIP, nhà máy nhiệt điện LNG; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án phát triển nhà ở…
Tỉnh tổ chức tốt hoạt động liên kết, xúc tiến du lịch với một số địa phương trong khu vực; khai thác tối đa mọi lợi thế, tiềm năng du lịch, tạo sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, mang bản sắc riêng của tỉnh.
Địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng... tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư…
Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5-9%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.878 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất, thu sổ số kiến thiết) đạt 4.798 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 75,1-75,4 triệu đồng; ít nhất 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; tạo việc làm mới cho 34.500 lao động trở lên.
Trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn song được sự lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích, cực nổi bật. Tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh tăng 7,37% so với năm 2022 (tăng gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước, xếp thứ 7/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố).
Đặc biệt, năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhờ vậy, Thái Bình có bứt phá và gia nhập nhóm “tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 98.256 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu hút đầu tư FDI cán mốc gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, xếp thứ 5 toàn quốc./.