Thi hành Hiệp định Paris, những câu chuyện phía sau hàng rào thép - Bài 1: Hoạt động phá hoại nhằm phá bỏ Hiệp định
Chính quyền Sài Gòn không muốn chấp nhận Hiệp định Paris vì đây gần như là “dấu chấm” hết cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam khi đó. Do vậy, họ tìm mọi cách để phá hoại Hiệp định Paris.
TTXVN - “Nếu như Hội nghị Paris về Việt Nam là một thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp, thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go và quyết liệt”.
Đó là đánh giá rất xác đáng của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên về quá trình đấu tranh trực diện, quyết liệt, nhưng khôn khéo và đầy quả cảm của các thành viên trong Ban Liên hợp quân sự của ta trong suốt thời gian sống và làm việc tại Trại Davis, để đảm bảo các bên tuân thủ và thực hiện đầy đủ các điều khoản mà Hiệp định Paris đã quy định.
Nhân kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết "Thi hành Hiệp định Paris, những câu chuyện phía sau hàng rào thép", chia sẻ câu chuyện của những nhân chứng lịch sử trong thời kỳ gian khó ấy.
Bài 1: Hoạt động phá hoại nhằm phá bỏ Hiệp định
Tại buổi Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis” diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) mới đây, các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp sống và làm việc sau hàng rào dây thép gai tại Trại Davis đã kể lại những câu chuyện về sự chịu đựng khó khăn, vất vả và quá trình đấu tranh không mệt mỏi của phái đoàn ta đối với những thủ đoạn xảo trá của đối phương nhằm phá bỏ Hiệp định Paris.
*Từ những đòn khủng bố tinh thần...
Đại tá Đào Chí Công, Sỹ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết, chính quyền Sài Gòn không muốn chấp nhận Hiệp định Paris vì đây gần như là “dấu chấm” hết cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam khi đó, đẩy chính quyền Sài Gòn đến bờ sụp đổ. Do vậy, họ tìm mọi cách để phá hoại Hiệp định Paris, từ việc áp đặt các điều vô lý, đe dọa, khủng bố tinh thần, đến mua chuộc, dụ dỗ… cán bộ phái đoàn ta nhằm cản trở tiến trình thực thi Hiệp định.
Theo Đại tá Đào Chí Công, việc phải đặt bút ký kết Hiệp định Paris là một thất bại nặng nề của phía Mỹ và cũng đồng nghĩa tương lai bại trận không xa của ngụy quân, ngụy quyền khi Mỹ chính thức rút quân, không dính líu, không can dự quân sự đối với chiến tranh Việt Nam theo các điều khoản quy định của Hiệp định Paris. Do đó, cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều ra sức chống phá Hiệp định Paris. Họ đã lựa chọn Trại Davis, một trại lính Mỹ bị bỏ hoang với cơ sở vật chất cũ nát, tồi tàn nằm sâu trong sân bay Tân Sơn Nhất làm nơi ở và trụ sở làm việc cho phái đoàn ta, nhằm làm lung lạc ý chí của phía ta, sau đó tìm cách vu cáo chúng ta vi phạm Hiệp định để viện cớ phá bỏ Hiệp định.
Theo quy định của Hiệp định Paris, phía chính quyền Sài Gòn sẽ cử máy bay đến đón Đoàn đại biểu của Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (1 trong 2 phái đoàn của ta được thành lập theo Điều 16 của Hiệp định Paris) tại sân bay Thiện Ngôn (sân bay dã chiến nằm trong vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh), sau đó đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất để về Trại Davis làm việc.
Tuy nhiên, theo Đại tá Đinh Quốc Kỳ, Sỹ quan liên lạc phái đoàn ta, thay vì đưa máy bay đến đón như quy định, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã đưa máy bay ném bom đến rải bom tại đây nhằm tiêu diệt và uy hiếp tinh thần cán bộ Đoàn đại biểu của Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Rất may, do có các nguồn tin tình báo thông báo trước và sự chủ động ứng phó kịp thời nên không cán bộ nào của ta bị thương hoặc hy sinh trong trận bom này. Sau đó, chúng ta phải chuyển sang sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để di chuyển đến Tân Sơn Nhất an toàn.
Đại tá Đinh Quốc Kỳ cho biết, sau khi Đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa di chuyển từ Hà Nội vào đến sân bay Tân Sơn Nhất, phía chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu các cán bộ của chúng ta phải xuất trình hộ chiếu mà theo họ, để phục vụ việc làm "thủ tục nhập cảnh". Họ cố tình đưa ra các lý do vô lý này và không cho phái đoàn ta xuống máy bay để di chuyển vào bên trong sân bay, mặc dù lúc đó ngoài trời rất nóng bức. Họ cố tình gây khó dễ, tạo ức chế, tạo sức ép tâm lý với phái đoàn ta nhằm mục đích ép ta từ bỏ việc giám sát các bên thực hiện Hiệp định Paris.
Cũng theo Đại tá Đinh Quốc Kỳ, sau khi vấn đề hộ chiếu và các thủ tục họ gọi là "nhập cảnh" được giải quyết, chính quyền Sài Gòn đưa cán bộ của phái đoàn ta ra xe về Trại Davis theo quy định. Tuy nhiên, những xảo trá chưa dừng lại. Họ cho tất cả xe ô tô dự kiến chở cán bộ phái đoàn ta cắm cờ trắng (cờ đầu hàng) và muốn để báo chí quốc tế chụp ảnh, đưa tin sự kiện này, hàm ý Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đầu hàng ngay từ khi đặt chân đến Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, chúng ta kiên quyết phản đối và đấu tranh, buộc họ không thực hiện được các ý đồ như dự tính.
Đại tá Đào Chí Công cho biết, lợi dụng các vấn đề liên quan đến an ninh, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc ra vào Trại Davis của cán bộ phái đoàn ta. Họ khám xét, kiểm soát và giới hạn các phương tiện giao thông của ta, thậm chí áp đặt thời gian cụ thể; không cho phép cán bộ hoặc các phương tiện giao thông của phía ta ra vào Trại Davis, mặc dù theo điều khoản quy định của Hiệp định Paris, phái đoàn của ta được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như đã quy định tại Công ước quốc tế. Tuy nhiên, họ cố tình phớt lờ và trắng trợn áp đặt các luật lệ riêng nhằm gây khó khăn cho ta.
Bên cạnh đó, để cô lập phái đoàn ta với thế giới bên ngoài, chính quyền Sài Gòn đã cho rào 4 tầng dây thép gai bao quanh Trại Davis và thiết lập 13 tháp canh gác, chĩa súng đại liên vào khu nhà ở và nhà làm việc của phái đoàn ta suốt ngày đêm. Trại Davis khi đó giống như một nhà tù hơn là một trụ sở làm việc của phái đoàn ngoại giao.
*... đến những thủ đoạn xảo trá
Ông Phạm Văn Lãi, Sỹ quan chính trị Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cho biết, ngoài việc cô lập phái đoàn ta tại Trại Davis bằng hàng rào dây thép gai, đối phương còn thực hiện nhiều trò xảo trá khác, trong đó có việc thường xuyên cắt điện, cắt nước Trại Davis trong điều kiện thời tiết nắng nóng để gây ức chế cho cán bộ phái đoàn ta. Bên cạnh đó, họ liên tục gây tiếng ồn bằng các động cơ máy bay và hệ thống máy nổ xung quanh Trại Davis khiến chúng ta gặp khó khăn trong quá trình trao đổi công việc hoặc mất tập trung khi làm việc… Tất cả những chiêu trò đó được họ lặp đi lặp lại thường xuyên, liên tục, ngày này qua ngày khác.
Thời gian đầu, ta có cử một số quân nhân nữ làm công tác hậu cần cho đoàn phái tại Trại Davis. Tuy nhiên, đối phương đã lợi dụng việc này để xuyên tạc, bôi nhọ uy tín của các cán bộ phái đoàn ta, nên sau khi xin ý kiến chỉ đạo cấp trên, chúng ta đã quyết định rút số quân nhân nữ này nhằm tránh tạo cơ hội để đối phương lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc.
Sau một thời gian, các chiêu trò xảo trá do đối phương thực hiện với phái đoàn ta đã không phát huy được hiệu quả như mong đợi của họ. Do đó, họ chuyển sang tiếp cận, nghiên cứu và tìm hiểu nhân thân, tính cách của từng cán bộ trong phái đoàn nhằm lợi dụng điểm yếu hoặc sơ hở cá nhân của từng người để lôi kéo, mua chuộc và khống chế. Nhiều lần họ đưa các cô gái trẻ, đẹp đến sát hàng rào của Trại Davis để “làm quen” với cán bộ ta, nhưng đều bị chúng ta cảnh cáo hoặc phản ánh lên Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát tại Việt Nam…/.
Hải Ngọc
(Bài 2: Đấu tranh trực diện, quyết liệt nhưng khôn khéo)