Thi hành Hiệp định Paris, những câu chuyện phía sau hàng rào thép - Bài 2: Đấu tranh trực diện, quyết liệt nhưng khôn khéo
Không dao động trước khó khăn; kiên định trong mọi tình huống; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh… là những yêu cầu tiên quyết của cấp trên luôn được mỗi cán bộ trong phái đoàn khắc ghi.
TTXVN - “Là người nước ngoài, tôi chưa từng nghĩ rằng để Hiệp định Paris được thực thi lại khó khăn, vất vả đến như thế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng một Hiệp định đã được các bên đồng ý đặt bút ký kết, như vậy là xong, mọi thứ sẽ diễn ra đúng như những điều khoản quy định của Hiệp định và chiến tranh sẽ kết thúc. Nhưng không, đó là một quá trình đấu tranh bền bỉ của các bạn, để rồi hơn hai năm sau, ngày 30/4/1975, Việt Nam mới thực sự có hòa bình, đất nước Việt Nam mới hoàn toàn thống nhất”.
Đó là cảm xúc và tâm sự của bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội Những người bạn di sản Việt Nam, sau khi được nghe về những câu chuyện diễn ra phía sau hàng rào thép gai Trại Davis từ những nhân chứng lịch sử, tại Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis”.
Theo các nhân chứng, do đã lường trước khả năng đối phương sẽ tìm cách phá hoại Hiệp định Paris và gây nguy hiểm cho phái đoàn ta khi đấu tranh chính trị ngay tại “hang ổ” của địch, nên chúng ta đã lựa chọn những cán bộ ưu tú, xuất sắc từ lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành khác tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự tại Trại Davis. Không dao động trước mọi khó khăn; kiên định trong mọi tình huống; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh khi có tình huống xấu; linh hoạt xử lý mọi vấn đề nhằm đảm bảo Hiệp định được thực thi đầy đủ… là những yêu cầu tiên quyết của cấp trên luôn được mỗi cán bộ trong phái đoàn khắc ghi và làm kim chỉ nam cho mọi hành động trong suốt quá trình sống và làm việc tại đây.
*Tiến hành công tác địch vận ngay trong Trại Davis
Đại tá Đào Chí Công, Sỹ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết, Hiệp định Paris là thắng lợi bước đầu và là cơ sở vô cùng quan trọng để chúng ta tiến đến chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy, việc đảm bảo thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Hiệp định phải được giám sát chặt chẽ và là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu mà phái đoàn ta phải thực hiện.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ trong phái đoàn ta phải xác định rõ những khó khăn, nguy hiểm phía trước, giữ vững “trận địa” tinh thần, không nao núng trước các hành động đe dọa, gây sức ép của đối phương, luôn đặt mục tiêu đảm bảo Hiệp định Paris phải được thực hiện đầy đủ lên trên hết để hoàn thành mọi nhiệm vụ tốt được giao. Với việc xác định rõ tinh thần chỉ đạo của cấp trên và bản lĩnh chính trị vững vàng được hun đúc trong năm tháng chiến tranh, các cán bộ của phái đoàn ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tập trung vào nhiệm vụ giám sát và đấu tranh đảm bảo Hiệp định Paris được các bên thực thi đầy đủ.
Theo ông Phạm Văn Lãi, Sỹ quan chính trị Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhiệm vụ chính của phái đoàn ta là đấu tranh ngoại giao quân sự, do vậy ngay từ phút đầu tiên, khi vừa đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất, chúng ta đã phải đấu tranh trực diện với đối phương trước yêu cầu vô lý từ phía họ. “Phía chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu các cán bộ phái đoàn ta xuất trình hộ chiếu làm thủ tục nhập cảnh với ý đồ ngầm khẳng định rằng Việt Nam Cộng hòa là một thực thể riêng. Đó là một yêu cầu vô lý, vi phạm Hiệp định Paris, bởi Việt Nam là một đất nước thống nhất. Chúng tôi đã kiên quyết đấu tranh để bác bỏ yêu cầu này. Chính quyền Sài Gòn nhượng bộ, song lại cho xe cắm cờ trắng ra đón chúng tôi về Trại Davis. Lại một lần nữa, phái đoàn ta phản đối, nhất quyết không bước lên xe vì chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi là lực lượng thực thi Hiệp định Paris vì mục đích hòa bình, chứ không phải những người đầu hàng”.
Một lần nữa, chính quyền Sài Gòn thất bại trước các lập luận sắc bén mà phái đoàn ta đưa ra, dựa trên cơ sở Luật pháp quốc tế và các điều khoản quy định của Hiệp định Paris. Chính quyền Sài Gòn đã lặng lẽ cho tháo bỏ cờ trắng khỏi các xe ô tô và đưa phái đoàn về Trại Davis an toàn.
Ông Phạm Văn Lãi hồi tưởng, Trại Davis, nơi đóng quân của phái đoàn ta khi đó luôn nằm trong tình trạng bị đối phương bao vây, uy hiếp. Tướng Cao Văn Viên đã lệnh cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa sẵn sàng cho xe tăng từ các phía tràn vào Trại Davis; máy bay sẽ dội bom hoặc rải chất hóa học tiêu diệt phái đoàn ta tại Trại Davis khi có tình huống xấu…
Trong bối cảnh đó, chúng ta không tỏ ra nao núng mà ngược lại, sẵn sàng, chủ động các phương án tác chiến ngay trong Trại Davis. “Ban ngày chúng tôi làm việc như bình thường, nhưng ban đêm tập trung đào hầm, hào kết nối các dãy nhà của cán bộ phái đoàn lại với nhau để sẵn sàng tác chiến khi đối phương tấn công. Mặc dù đối phương kiểm soát rất chặt chẽ việc ra vào Trại Davis, nhưng chúng tôi đã bí mật vận chuyển thành công vào Trại Davis một số thủ pháo, ngụy trang trong các vali. Số thủ pháo này sẽ giúp chúng tôi cố thủ được từ 3 đến 5 ngày trong khi chờ quân tiếp viện”, ông Phạm Văn Lãi chia sẻ.
Song song với việc đấu tranh ngoại giao quân sự với đối phương để đảm bảo Hiệp định Paris được thực hiện đầy đủ và các hoạt động chuẩn bị tác chiến trong tình huống bị đối phương tấn công, phái đoàn ta còn tận dụng mọi cơ hội làm công tác địch vận, thu hút đối phương. Vào các buổi tối, phái đoàn thường tổ chức chiếu phim ngoài trời bằng màn ảnh rộng nhằm đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, nhưng cũng đồng thời thu hút, đánh lừa địch để các bộ phận khác tranh thủ đào hầm, hào, tránh bị địch quan sát, phát hiện.
"Những bộ phim về Bác Hồ với thiếu nhi, Giải phóng châu Âu… mang tính nhân văn sâu sắc, rất hay và hấp dẫn không chỉ thu hút những người lính gác trên các tháp canh bỏ quên nhiệm vụ canh gác, chĩa súng vào chúng tôi như hàng ngày, mà còn thu hút cả đông đảo binh lính xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Họ tiến lại gần hàng rào thép gai ngày càng đông, chăm chú xem các bộ phim từ bên ngoài hàng rào mà bỏ quên mọi nhiệm vụ đang thực hiện…”, ông Phạm Văn Lãi kể.
* Không chùn bước dù cái chết luôn đe dọa
Ông Phạm Văn Lãi cho biết, ông là người cắm lá cờ giải phóng trên tháp nước Trại Davis vào lúc 9h30 ngày 30/4/1975. Lá cờ giải phóng tại Trại Davis là một trong những lá cờ tung bay đầu tiên giữa trung tâm Sài Gòn khi đó. Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Lãi xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử mà chính ông và các đồng chí trong phái đoàn ta tại Trại Davis không ngờ tới.
“Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ ra để giao cho các đồng chí vệ binh mang lên tháp nước, nơi cao nhất của Trại Davis để cắm với mục đích báo hiệu cho các lực lượng giải phóng của ta vị trí phái đoàn đóng quân khi các lực lượng tiến hành tấn công khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Khoảng 8h30 tôi nhận nhiệm vụ từ cấp trên. Sau khi vào kho lấy lá cờ ra nhưng không thể tìm thấy cán cờ, tôi đã chạy đi khắp mọi nơi để tìm kiếm các vật dụng khác thay cán cờ. Rất may, sau một hồi tìm kiếm, tôi phát hiện có một đoạn ống nước bỏ không trong khu nhà và tôi đã sử dụng luôn đoạn ống này làm cán cờ, rất vừa vặn và chắc chắn”, ông Phạm Văn Lãi cho hay.
Tuy nhiên, khi ra đến cổng để giao cờ cho các đồng chí vệ binh lên cắm thì không có ai, vì các đồng chí đều thực hiện các nhiệm vụ khác. Ông quyết định trèo lên tháp nước và nhờ đồng chí Cẩn (cán bộ phái đoàn ta) cầm cờ đưa cho ông. "Sau khi thao tác nhanh gọn, buộc chặt cán cờ trên đỉnh tháp nước, lá cờ giải phóng tung bay trong khi các mũi tấn công của ta cũng đang tiến vào Sài Gòn. Tôi và các đồng chí bật khóc, ôm chặt nhau vì sung sướng và cũng không ngờ rằng lá cờ của chúng tôi là một trong những lá cờ tung bay sớm nhất tại trung tâm Sài Gòn”, ông Phạm Văn Lãi xúc động kể lại.
“Chứng kiến cảnh này, các đồng chí trong phái đoàn đề nghị chúng tôi đứng dưới lá cờ để chụp một kiểu ảnh làm kỉ niệm. Chúng tôi đã có một tấm ảnh vào thời điểm thiêng liêng nhất của lịch sử, được đứng dưới lá cờ giải phóng tung bay trên tháp nước của Trại Davis. Cảm giác sung sướng, khó tả ấy tôi sẽ không bao giờ quên”. Một lần nữa ông Phạm Văn Lãi bật khóc khi xúc động nói về thời khắc lịch sử của đất nước.
Khi được hỏi có cảm thấy sợ khi trèo lên tháp nước Trại Davis cắm cờ, vì xung quanh quân địch luôn chĩa súng vào Trại Davis và dõi theo mọi hoạt động của từng cán bộ phái đoàn, ông cho biết, rất có thể sẽ bị bắn khi cầm lá cờ đứng trên đỉnh tháp, nhưng đây là nhiệm vụ cấp trên giao phải hoàn thành bằng mọi giá. Hơn nữa, ông cũng đã xác định ngay từ trước khi đặt chân đến Trại Davis, dù có phải hy sinh như bao đồng chí khác ngoài chiến trường ông cũng vui vẻ đón nhận, "vì tôi là một người lính Cụ Hồ, luôn luôn và sẽ mãi mãi là như thế. Cái chết không đẩy lùi, làm chùn bước chúng tôi, chỉ có sự hèn nhát, chấp nhận để dân tộc bị chà đạp mới đáng sợ”.
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng những câu chuyện xung quanh cuộc đấu tranh ngoại giao quân sự để Hiệp định Paris được thực hiện đầy đủ vẫn còn sống mãi với dân tộc Việt Nam, luôn được trân trọng, lưu giữ trong ký ức sâu thẳm các nhân chứng lịch sử tại Trại Davis - những người đã góp phần đặt những viên gạch vững chắc cho nền hòa bình của dân tộc.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp thiết thực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 12/9/2011, hai đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban Liên hợp Quân sự đã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đã tặng gần 800 Kỷ niệm chương “Thi hành Hiệp định Paris” cho các cựu thành viên hai đoàn đại biểu quân sự. Ngày 09/3/2017, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra quyết định số 827/QĐ – BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích Lịch sử Trại Davis./.
Hải Ngọc