Thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế tuần hoàn: Bài 1 - Hành động tích cực từ cộng đồng
Khi mỗi cá nhân tự nhìn lại mình, điều chỉnh cách hành xử với môi trường theo hướng “xanh” hơn, nhiều mô hình, dự án, phong trào thân thiện với môi trường đạt hiệu quả cao đã ra đời.
Việt Nam đang nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế. Để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, các bộ, ngành và sự hợp sức thực thi của người dân, các cộng đồng, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp. Để làm rõ hơn những nỗ lực này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết “Thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế tuần hoàn”.
Bài 1 - Hành động tích cực từ cộng đồng
TTXVN - Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành nhận thức chung của các ngành, các cấp, đoàn thể, giới tính, lứa tuổi. Khi mỗi cá nhân tự nhìn lại mình, điều chỉnh cách hành xử với môi trường theo hướng “xanh” hơn, nhiều mô hình, dự án, phong trào thân thiện với môi trường đạt hiệu quả cao đã ra đời.
* Thích ứng với biến đổi khí hậu
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” do Tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế tài trợ, được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ Việt Nam, vừa hoàn thành đã giúp xây dựng chính sách, nâng cao năng lực cho các bộ, ngành thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến kinh tế tuần hoàn.
Dự án đã triển khai thí điểm thành công 3 giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), 5 mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh. Các giải pháp, mô hình thí điểm này đã được bàn giao cho địa phương sử dụng.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, với việc triển khai Dự án “Hỗ trợ Việt Nam Thực hiện Thỏa thuận Paris” nhiều hộ nông dân nơi đây đã tham gia thực hiện mô hình nông lâm thích ứng dựa vào hệ sinh thái thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh.
Theo đó, từ năm 2020 - 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 5 mô hình nông nghiệp thông minh tại 4 xã Sơn Hồng, Sơn Tiến (huyện Hương Sơn); xã Vượng Lộc, thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc).
Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả, điển hình như mô hình nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn, rừng, với 36 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ thùng ong, thùng quay mật, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ong. Nhờ ong thụ phấn làm tăng đa dạng sinh học, tăng tỷ lệ cây che phủ đất trên đồi. Việc này sẽ giúp hạn chế sạt lở đất, rửa trôi chất dinh dưỡng trên bề mặt. Mô hình mang lại thu nhập, giúp nâng cao đời sống người dân.
Các mô hình khác như “Sản xuất hành tăm luân canh cây họ đậu”, “Nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt, kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ”, các hộ dân được hỗ trợ cây con giống, phân bón và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nhằm gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu. Trước khi tham gia dự án, vùng đất sản xuất được người dân trồng lúa, hoặc trồng màu, tuy nhiên do người dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, tự phát, sử dụng phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh chưa hợp lý nên năng suất cây trồng không cao, đất bị rửa trôi và thoái hóa dần; môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái đồng ruộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp người nông dân cải thiện sinh kế, giảm được tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, Dự án đã triển khai thực tế 3 mô hình, gồm: Thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại công viên sông Cầu Rào; Mảng xanh tòa nhà Ban quản lý Dịch vụ công ích thành phố Đồng Hới; mô hình thí điểm thoát nước đô thị bền vững tại Hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị - Lý Thường Kiệt.
Theo đó, khu vực cảnh quan trữ nước công viên sông Cầu Rào (phường Đồng Phú) có diện tích 4,9 ha, dung tích chứa nước 4.000 m3 và đối tượng hưởng lợi 29.000 người. Công trình sử dụng các giải pháp cảnh quan sinh thái và vật liệu thẩm thấu, bề mặt mương tự thấm, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên giữa lòng thành phố nhằm tăng khả năng thẩm thấu nước, tăng đa dạng sinh học phù hợp quan điểm thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái.
Công trình Mảng xanh tòa nhà Ban quản lý Dịch vụ công ích thành phố Đồng Hới có diện tích 545m2 mảng tường xanh, 362m2 vườn trên mái và 50m3 bể chứa nước mưa. Công trình giúp cách nhiệt hiệu quả, giảm tiêu thụ năng lượng điện; tái sử dụng nước mưa, tiết kiệm chi phí và giảm áp lực hệ thống thoát nước đô thị, tăng tính thẩm mỹ cho tòa nhà.
Mô hình hệ thống thoát nước đô thị bền vững tại Hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị - Lý Thường Kiệt có diện tích 352m2, dung tích chứa nước mưa 150m3 và diện tích cải tạo kết cấu vỉa hè tự thấm 74,86m2. Công trình góp phần tăng khả năng kiểm soát nguồn nước mưa, khả năng chứa nước bằng bể chứa ngầm; giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và rủi ro ngập úng cục bộ, tắc nghẽn giao thông do ngập lụt.
* Thanh niên tích cực áp dụng kinh tế tuần hoàn
Thanh niên có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn khi vừa là người tiêu dùng, vừa là người thực hiện, thay đổi nhận thức về thói quen sản xuất và tiêu dùng. Với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế, cùng nhiều cơ quan chức năng, Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu Việt Nam đã được thành lập với 15 tổ chức thành viên trên toàn quốc.
Thông qua Mạng lưới, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới kinh tế tuần hoàn đã được các bạn thanh niên thực hiện và được đánh giá cao. Điển hình như REshare, một dự án hướng tới kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang, giúp người dùng quyên góp và mua bán, trao đổi những món đồ cũ một cách thuận lợi thông qua một nền tảng công nghệ. Một số món đồ còn được bán lại với giá 0 đồng, người mua chỉ cần chi trả phí vận chuyển. Bằng cách này REshare đã kết nối với người thừa và người thiếu để tận dụng nguồn quần áo cũ tạo vòng đời mới hơn cho sản phẩm, xu hướng tái chế thời trang mà dự án góp phần nhân rộng để giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
Một dự án khác được đánh giá cao là “Xà bông của Ba”, mang tới sản phẩm xà phòng thủ công làm từ nguyên liệu thiên nhiên, không sử dụng bao bì nhựa, hạn chế tối đa lượng rác thải, thời gian và tận dụng nguyên vật liệu có sẵn. Với ưu điểm được bọc, gói bằng những vật liệu như giấy nến, khay tre, hộp thiếc, sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường. Đặc biệt, mỗi sản phẩm đều được sử dụng giấy gói có gắn những hạt giống ở mặt trong để người sử dụng chăm sóc, ươm mầm những cây non. Nhờ đó, sản phẩm này hiện đã được khách hàng trên thị trường toàn quốc biết tới và ủng hộ.
Còn đối với các bạn trẻ thực hiện dự án Gen Xanh, họ hướng đến một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực rác thải điện tử, rác thải nhựa sử dụng một lần và rác thải quần áo cũ. Gen Xanh xây dựng một mạng lưới tình nguyện viên thu gom rác tại nhà cho những người dân không thể đến các điểm thu gom. Người dân khi có nhu cầu sẽ điền Google form được Gen Xanh cung cấp và cung cấp các thông tin về đơn rác cần thu. Sau khi đơn được tiếp nhận sẽ được đưa vào mạng lưới tuyên truyền để các bạn tình nguyện viên nhận đơn và liên hệ thu gom. Bên cạnh đó, Gen Xanh cũng tổ chức phiên chợ Xanh 1 đến 2 tháng một lần nhằm thu gom nhiều loại rác và giúp cho các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh sản phẩm xanh đưa được sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
* Hiệu quả quản lý rác thải sinh hoạt từ phụ nữ
Cùng với thanh niên, phụ nữ cũng là những người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm rác thải. Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Na Uy tài trợ, tập trung vào đối tượng phụ nữ để tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt hiệu quả.
Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thành lập nhóm nòng cốt tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang để đào tạo kiến thức về rác thải và nhựa, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn. Những người này đóng vai trò là người giám sát tại từng địa điểm để đảm bảo từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình phân loại trước khi xe rác đến thu gom. Mô hình đã thực hiện các hoạt động giáo dục và truyền thông về quản lý rác thải nhựa và rác thải. Với sự nhắc nhở sát sao, dự án ghi nhận kết quả 80% hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn.
Tại tỉnh Bình Định, Dự án đã thực hiện nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu thuộc Vịnh Quy Nhơn, Bình Định. Trong đó, Dự án tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các chủ nhà hàng, khách sạn sử dụng các sản phẩm “xanh”; đồng thời hỗ trợ vốn, kiến thức, mạng lưới cho các phụ nữ thu gom ve chai để tăng cường hiệu quả thu gom rác tái chế.
Tại tỉnh Bình Thuận, Dự án đã tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa cho 450 học sinh lớp 12; đồng thời thực hiện mô hình Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó, Dự án đã kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương, với mô hình tàu cá tại cảng Phan Thiết của thành phố Phan Thiết, cảng Liên Hương, bến cá Hà Phong và tàu du lịch Hòn Cau…
Tại tỉnh Bình Dương, Dự án đã thực hiện mô hình Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn thành phố Dĩ An; hỗ trợ phụ nữ làm nghề ve chai gói vay vốn với lãi suất 0%, đồng thời giúp họ kết nối tạo thuận lợi hơn cho việc thu gom phế liệu. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác từ các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng (cán bộ quản lý, người dân, thanh niên và lao động phi chính thức), Dự án đã thí điểm thành công các mô hình quản lý chất thải sinh hoạt.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Dự án đã tổ chức 35 buổi tập huấn tại thành phố Hạ Long về phân loại rác thải và nhựa, với 6.000 người dân tham gia, bao gồm: thành viên các tàu cá, đại diện hộ dân, thanh thiếu niên, học sinh, thành viên Chi hội thu mua ve chai, hộ kinh doanh cá thể, nhân viên một số doanh nghiệp.
Thông qua Dự án, hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần. Dự án đã tặng 30 xe đạp, 140 bộ quần áo bảo hộ, 100 đôi giày cho các lao động ve chai tại thành phố Hạ Long. Ngoài ra, Dự án đã thành lập một quỹ xoay vòng với số tiền 350 triệu đồng cho những người làm nghề ve chai nơi đây có vốn để hoạt động./.
Bài 2 - Chuyển đổi sang năng lượng sạch