Phát triển giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các sản phẩm nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên được khai thác, sử dụng phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm nhựa.
TTXVN-Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội thảo “Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa cho Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong Hội nghị thường niên của Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) tại Việt Nam diễn ra cùng ngày.
Khai mạc Hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp bách cần tìm kiếm các giải pháp toàn diện và tổng thể để giải quyết thách thức nghiêm trọng này hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững cho nhân loại. Kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa bằng cách giữ lại những giá trị của nhựa trong nền kinh tế, giảm rò rỉ nhựa ra môi trường.
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy các mô hình tái sử dụng một cách sáng tạo: thiết kế sản phẩm theo hướng giữ lại giá trị cao nhất trong quá trình tái chế nhựa; xử lý hiệu quả hàm lượng hóa chất trong nhựa nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế an toàn nhựa; phát triển các giải pháp quản lý chất thải an toàn, bền vững.
Với ý nghĩa đó, sản phẩm nhựa sau quá trình sử dụng sẽ không còn là rác thải, là nguồn gây ô nhiễm môi trường mà sẽ trở thành tài nguyên, là đầu vào của chu trình sản xuất, tiêu dùng mới. Do đó, phát triển giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các sản phẩm nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên được khai thác, sử dụng phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm nhựa.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa, ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh cần có sự đồng thuận và tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm nhà cung cấp vật liệu nhựa, nhà sản xuất bao bì, các doanh nghiệp xử lý, tái chế chất thải nhựa và cộng đồng dân cư; đồng thời cần có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện từ toàn cầu đến quốc gia, bao gồm cơ chế hợp tác chung giữa các quốc gia đến cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp về giải quyết ô nhiễm nhựa.
Các quốc gia cần phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ cho hệ sinh thái thu gom, tái chế sản phẩm nhựa nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, khối tư nhân sẵn sàng đầu tư với tầm nhìn dài hạn.
Báo cáo Hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 do Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) tại Việt Nam thực hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2022 cho thấy, chất thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sứ khỏe của người dân Việt Nam. Tổng khối lượng nhựa chưa được quản lý phù hợp ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 1,53 triệu tấn năm 2018 lên 3,15 triệu tấn vào năm 2030 theo Kịch bản thông thường. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể tình trạng rò rỉ chất thải nhựa. Nếu tốc độ thu gom và xử lý chất thải như hiện nay tiếp tục được duy trì, thì ước tính lượng nhựa được thải ra môi trường nước hàng năm sẽ tăng từ khoảng 182.000 tấn năm 2018 lên tới 373.000 tấn vào năm 2030.
Tăng giá trị sau sử dụng của chất thải nhựa sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế và giảm đáng kể rò rỉ nhựa ra môi trường nước. Hầu hết các loại chất thải nhựa hiện nay đều có rất ít hoặc không có giá trị trên thị trường tái chế và tốn nhiều thời gian để thu gom.
Nhựa đơn chất, đa chất lần lượt chiếm 55% và 27% lượng nhựa rò rỉ tại Việt Nam trong năm 2018. Hiện tại, các loại nhựa này chỉ chiếm 10% lượng phế liệu được lực lượng không chính thức ở Việt Nam thu gom - 90% còn lại là nhựa cứng có giá trị kinh tế hơn.
Các giải pháp chính sách và thiết kế lại sản phẩm, bao gồm cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ làm gia tăng đáng kể giá trị sau khi sử dụng của chất thải nhựa. Hiện nay đang có nhiều chương trình khác nhau được đối tác, cơ quan phát triển song phương, đa phương tổ chức thực hiện nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Vì vậy, điều quan trọng là phải có sự phối hợp hành động để đảm bảo tính hài hòa và tránh trùng lặp nhằm hướng tới các mục tiêu chung.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về hiện trạng môi trường chất thải nhựa ở Việt Nam, xác định các hành động cốt lõi cần thực hiện như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bao bì bền vững, thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR), tài chính xanh cho các dự án tái chế, nâng cao năng lực cho địa phương trong lĩnh vực quản lý chất thải nhựa, chất thải rắn nói chung, cũng như giải quyết vấn đề liên quan đến giới, phát triển toàn diện. Các thảo luận, khuyến nghị tại Hội thảo sẽ được gửi đến Nhóm công tác thực hiện Chương trình Hành động đối tác về nhựa (NPAP)./.