Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Để đất đai thành nguồn lực phát triển bền vững *Bài 1: Thời điểm chín muồi
Dự án Luật được thông qua đã phần nào xóa bỏ được những bất cập, hạn chế trong Luật cũ. Những “điểm nghẽn” chính sách kìm chế nguồn lực đất đai từ bao năm qua đã được tháo gỡ.
Sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, 432/477 đại biểu (chiếm 87,63% tổng số đại biểu có mặt) đã bỏ phiếu tán thành thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Cuộc “đại phẫu” của Luật Đất đai đã thành công. Dự án Luật được thông qua đã phần nào xóa bỏ được những bất cập, hạn chế trong Luật cũ. Những “điểm nghẽn” chính sách kiềm chế nguồn lực đất đai từ bao năm qua đã được tháo gỡ. Ngành đất đai đã được “thay máu”, hướng tới trở thành nguồn tài nguyên thực sự quan trọng của đất nước.
Việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - dự án luật quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế-xã hội - được Quốc hội thông qua thể hiện nỗ lực, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; hướng tới mục tiêu tối thượng: Đảm bảo đời sống nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm 3 bài viết: “Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Để đất đai trở thành nguồn lực phát triển bền vững”
Bài 1: Thời điểm chín muồi
Theo quy trình xây dựng Luật thông thường, một dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong 2 kỳ họp. Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)- dự án Luật quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành tới 4 kỳ họp (Kỳ họp thứ 4,5,6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5); 6 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức. Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có 2 lần thảo luận để tới bước thông qua dự án Luật. Cùng với đó, hơn 12,1 triệu lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước đối với đạo luật quan trọng này.
Quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy, không chạy theo số lượng và tiến độ, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, Chính phủ đã nỗ lực hết mình để đưa ra một đạo luật quan trọng vào thời điểm chín muồi, đáp ứng được nguyện vọng của chính đáng của nhân dân.
*Thận trọng, kỹ lưỡng là cần thiết
Ngày 22/11/2023, tại phiên thảo luận hội trường, cho ý kiến, biểu quyết việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, 453/459 đại biểu đã tán thành điều chỉnh thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Các đại biểu nhất trí cho rằng, dự thảo luật vẫn còn một số nội dung chính sách lớn cần thiết kế phương án tối ưu. Bên cạnh đó, do đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống của người dân, việc rà soát hoàn thiện toàn diện cần thêm thời gian để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Việc điều chỉnh thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chọn là sự kiện thứ hai trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023. Việc chưa thông qua Luật nhằm có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Quyết định này của Quốc hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội, thể hiện tinh thần cẩn trọng, có trách nhiệm của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng và tiến độ đơn thuần.
Việc lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6 cũng giành được sự chú tâm đặc biệt, bởi đây là đạo luật được người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt mong đợi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành quản lý đất đai; từ đó, giúp khơi thông nguồn lực đất đai, đóng góp cho phát triển bền vững đất nước. Do đó, việc chưa thông qua dự án Luật vào thời điểm trên là minh chứng rõ nét cho tinh thần cầu thị của Chính phủ, trách nhiệm của Quốc hội trên nguyên tắc: “Quá trình xây dựng, ban hành Luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặc biệt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng”.
Nhận thức được điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nêu rõ quan điểm: “Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ngay sau Kỳ họp thứ 6, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị chủ trì soạn thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đơn vị chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan liên quan đã đầu tư thời gian, nhân lực kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ để làm việc ngoài giờ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến của nhân dân, quyết tâm hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội, hoàn thành nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.
*Quyết tâm trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường
Ngay sau Kỳ họp thứ 6, tại Phiên họp thứ 28, phiên làm việc thường kỳ cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, nếu chưa xem xét thông qua 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng thì không cần kỳ họp bất thường.
Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” nêu rõ yêu cầu: "phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan”. Do đó, trên tinh thần “có đủ cơ sở và điều kiện để nói quyết tâm”, lãnh đạo Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ phải vận hành hết công suất, tận dụng thời gian, nghiêm túc nghiên cứu tài liệu.
Tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra một tuần trước khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, khi những nội dung chỉnh sửa gần như cuối cùng của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn đang được xem xét, các đại biểu nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả trước mắt và lâu dài. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và công phu, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học qua nhiều vòng, nhiều lần, đã tổ chức lấy ý kiến đông đảo nhân dân với hơn 12,1 triệu lượt ý kiến tham gia.
Nhận xét hồ sơ chuẩn bị tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về những vấn đề: Thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở thương mại, dịch vụ; phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất; dự án tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của Quốc hội, Chính phủ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua với 432 đại biểu tán thành, chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường vào sáng 18/1.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, phát huy dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cử tri và nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện dự án luật, có thể thấy Quốc hội luôn nhất quán quan điểm chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Tất cả để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội./.
Bài 2: Cuộc "đại phẫu" của ngành đất đai